TIN VUI

Tuần san Công Giáo Tin vui - Số 103 CN 16.09.2007

 

 

Web site ww.tinvui.org  E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

MỤC LỤC

 

Chúa Nhật XXIV Thường Niên C..

MẤT – TÌM – MỪNG..

CÒN SÓT LẠI.

Tường thuật chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tại Áo quốc.

Kỷ niệm 10 năm Mẹ Terexa Calcutta qua đời

Phỏng vấn chị Nirmala Joshi, Bề Trên Tổng Quyền dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái, về Mẹ Terexa Calcutta 

ĐCV Thánh Giuse Hà Nội khai giảng niên học mới

HỌC VỚI CHÚA KITÔ..

Bài huấn từ của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt trong lễ khai giảng năm học mới tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội ngày 10/9/2007 với đề tài "Học với Chúa Kitô":

THÁNH LỄ MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU SƠN HIỆN DIỆN TẠI GP. ĐÀ LẠT..

ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG LÂM ĐỒNG..

Nhân kỷ niệm 50 năm hiện diện tại Giáo Phận Đàlạt, ngày 8-9-2007.

(1957-2007)

THÁNH LỄ TẠ ƠN LÀM PHÉP NHÀ THỜ CÁI CÁ, GIÁO PHẬN VĨNH LONG..

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI.

HIỆP CÔNG CỨU CHUỘC BẰNG CUỘC TỬ ĐẠO SUỐT ĐỜI.

NGÀY 14 và 15 THÁNG 9 LÀ NGÀY GÌ ?.

THẬP GIÁ ĐIÊN RỒ..

Tưởng Nhớ Và Cầu Nguyện Cho Các Nạn Nhân Biến Cố 911.

Lòng trông cậy.

TÔI SẼ CHỖI DẬY VÀ ĐI VỀ CÙNG CHA TÔI.

TỪ MA TÚY ĐẾN THÀNH VIÊN TU HỘI TẬN HIẾN..

GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC..

Làm bố khó hơn lãnh đạo doanh nghiệp.

Tương quan giữa cha sở với các nữ tu, ban hành giáo và các đoàn thể trong giáo xứ (tiếp theo)  

 

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

 

Chúa Nhật XXIV Thường Niên C

 

Lc 15, 1-10 {hoặc 1-32}

"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng".

Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy, Tôi bảo các ông: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".

{Người lại phán rằng: "Người kia có hai con trai. Đứa em đến thưa cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha'. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Đó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó'.

"Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'".} Đó là lời Chúa.

MẤT – TÌM – MỪNG

Trong cuộc đời truyền giáo, Chúa Giêsu có nhiều dịp tiếp xúc nhiều hạn người, nhiều tầng lớp xã hội. Theo Tin Mừng, Chúa đặc biệt ưu ái người nghèo, nghèo vật chất và nhất là nghèo phẩm giá. Chúa lui tới, gặp gỡ, ăn uống với họ. Chúa bày tỏ tình yêu đối với họ là tình yêu thương xót, thông cảm, bao dung, tha thứ và đón nhận. Chúa đi ngược hẳn lối suy nghĩ của những người lãnh đạo trong đạo, ngoài đời của xã hội Dothái đương thời. Họ khinh miệt những người nghèo. Họ xa tránh và gọi những người nghèo ấy là “phường tội lỗi”.

Hôm nay, bằng ba dụ ngôn, Chúa dạy những “nhà lãnh đạo Dothái” bài học của lòng yêu thương thông cảm.

I. MẤT – TÌM – MỪNG.

Bài Tin Mừng hôm nay, với ba dụ ngôn, để diễn tả nỗi lòng yêu thương cao cả của Thiên Chúa, có nhiều động từ được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại, đó là những động từ: “mất” (6 lần), “tìm” (8 lần), “mừng” (8 lần).

- Người ta bị mất, người ta đi tìm. Tìm thầy, người ta vui mừng.

- Cái bị mất càng quý giá, càng phải tìm. Tìm thấy, nỗi vui mừng càng lớn.

Con người lưu lạc khỏi vòng tay Thiên Chúa, Thiên Chúa lạc mất con người. Cả dòng lịch sử cứu độ trải dài hàng thế kỷ là hành động của Thiên Chúa tình yêu đi tìm con người. Bởi thế, dòng lịch sử cứu độ đã ghi một dấu ấn tích cực, đó là dấu ấn của cả Hội Thánh Chúa và biết bao nhiêu anh chị em đã đáp lại sự tìm kiếm của Chúa.

Con người, đối với Thiên Chúa, đó là quà tặng quý giá dành cho chính bản thân Người. Bởi con người đáng quý, cho nên sự bội nghĩa vong ân của họ gây nên nỗi đau lớn nơi lòng Thiên Chúa. Một khi Thiên Chúa đã tìm thấy con người qua sự đáp trả của họ, đó là một niềm mừng vui không xiết. Chúa Giêsu diễn tả niềm vui này bằng nhiều hình ảnh:

- Người chủ chiên, sau khi tìm thấy con chiên tự ý bỏ đàn ra đi, đã “vui mừng vác chiên lên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: ‘Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc”.

- Người phụ nữ cất mọi công sức đi tìm đồng bạc bị lạc mất: “Đốt đèn, quét nhà, tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy”. Khi tìm thấy, “bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm thấy đồng bạc tôi bị mất”.

- Nhất là người cha nhân hậu, sau bao năm mỏi mòn trông đợi đứa con phụ nghĩa bạc tình, ông vui mừng hết sức khi tìm thấy con ông trở về. Niềm vui của ông vỡ òa trong ngày chính ông được chạm đến cuộc đời đứa con hư hỏng: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giày vào chân cậu. Hãy bắt con be béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Ba động từ MẤT – TÌM – MỪNG xuyên suốt ba dụ ngôn, trở thành một tình ca hay, ca ngợi lòng yêu thương vừa kỳ diệu, trường kỳ, sâu thẳm trong hành động tìm kiếm con người của Thiên Chúa, vừa cho thấy: Tội lỗi đáng ghét, đáng loại trừ, nhưng người có tội, dù tội của họ nặng đến mức độ nào, vẫn đáng thương, đáng được tha thứ một khi họ biết ăn năn.

Một con chiên lạc, một đồng bạc bị mất, một đứa con hư hỏng. Thực ra đó là hình ảnh của loài người tội lỗi, là linh hồn con người cần được tình yêu tha thứ của Chúa đón nhận. Linh hồn còn quý giá hơn bội lần đối với con chiên, quý giá hơn đồng bạc, quý giá hơn đứa con hoang đàng. Bởi vậy, một khi tìm lại được linh hồn con người, thì không phải chỉ cả nhà vui, người chủ vui, hàng xóm vui, nhưng cả thiên đàng đều vui: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

II. THÁI ĐỘ NÀO CHO CHÚNG TA?

Thứ nhất: Biết mình có tội.

Cả vô tình lẫn cố ý, nhiều lần ta trở thành “người anh cả” trong dụ ngôn thứ ba, đã không thể thông cảm, không thể đón nhận anh em mình đứng lên sau khi đã vấp ngã, lại còn ganh ghét, lên án, kết tội. Đó là thái độ của những biệt phái và luật sĩ mà bài Tin Mừng nhắc đến nói riêng, các nhà lãnh đạo trong đạo ngoài đời của xã hội Dothái nói chung. Chính thái độ loại trừ một cách độc ác này đã “bị” Chúa dạy liên tiếp bằng ba dụ ngôn đáng giá, để nhắc nhở họ về tình trạng tội lỗi của chính họ. Họ cũng cần được tha thứ, cũng cần được Thiên Chúa yêu thương đón nhận như mọi người. Họ phải khôn ngoan nhìn mình để khám phá con người thực của mình hơn là nhìn người anh em để đổ vạ, để lên án.

Hơn bao giờ hết, chính lúc này đây, lúc mà ta đang lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, hãy biết rằng, Chúa dạy ta đừng xét đoán, đừng lên án anh em, bởi không phải anh em có tội, nhưng là chính bản thân ta có tội. Chúa đang dạy ta hãy cúi đầu nhìn nhận mình tội lỗi mà ăn năn tội và cầu xin ơn tha thứ như lời thú nhận của người con thứ trong dụ ngôn thứ ba: “Thưa Cha, con thật đắc tội với Cha”.

Thứ hai: Đừng đánh mất hy vọng.

Dù ta xấu thế nào, tội nặng đến đâu, ta vẫn không có quyền thất vọng. Hãy tin mãnh liệt rằng, trước khi ta trở về, Chúa đã đi tìm ta. Chẳng những Chúa không bỏ rơi người có tội, ngược lại Chúa chủ động đi tìm. Chúa tìm đến lúc tìm được mới thôi. Ngày nào ta còn xa Chúa, ngày ấy Chúa còn mòn mỏi trông ngóng, chờ đợi, đau khổ. Chúa tìm ta, Chúa cần ta, Chúa thương ta, Chúa nâng niu ta. Một khi đã tìm lại được ta, Chúa không chỉ đón nhận như đón nhận người con ân hận trở về. Nhưng lòng Chúa mở hội, lòng Chúa vui mừng khôn tả.

Ta không có quyền thất vọng trước tình yêu hãi hà của Chúa. Tại sao ta lại thất vọng trong khi Chúa đang tha thiết chờ đợi ta trở về cùng Chúa? Tại sao ta không xác tín rằng, với ơn Chúa, ta sẽ có đủ nghị lực đứng lên trở về với Chúa? Người con hoang đàng trong dụ ngôn thứ ba toàn làm điều xấu, chỉ duy nhất có một hành động đẹp mà thôi: Đứng lên trở về cùng cha. Dẫu chỉ một, nhưng hành động ấy quá đủ để anh lại được ngự giữa tình yêu của cha. Dù ta phạm tội đến mức độ nào đi nữa, thì cũng hãy dứt khoát thực hiện một hành động rất đẹp mà người con hoang đàng đã thực hiện: Ra đi, trở về cùng Cha và thưa với Cha rằng: Lạy Cha, con đã lỗi phạm đến Cha. Hãy nhớ một điều rất quan trọng: Thất vọng là động lực nguy hiểm lôi kéo ta càng ngày càng xa Chúa. Do đó, thất vọng càng nhấn chìm ta. Càng đẩy ta lún sâu vào vũng bùn dơ bẩn của tội lỗi. Thất vọng là giết chết cuộc đời mình, giết chết tương lai vĩnh cửu của mình, giết chết cơ hội trở về với tình yêu của Chúa.

Thứ ba: Tin vào khả năng mình sống thánh thiện.

Ai trong chúng ta cũng có khả năng làm việc thiện. Đó là thực tế. Ngay cả một người dù bậm trợn nhất, xấu xa nhất, thì nội tâm anh ta vẫn khao khát hướng về sự thiện.

Tin vào khả làm việc thiện, sẽ đưa ta tới một niềm tin quan trọng khác: Ta có thể đứng lên thay đổi đời sống và hoán cải lòng mình. Hình tượng người con hoang đàng quyết trở về với cha của anh là bằng chứng mà Chúa đã dùng để nhắc ta hãy tin vào khả năng mình nên thánh thiện. Lịch sử Hội Thánh đã ghi nhận nhiều tấm gương sống đúng như Lời Chúa dạy qua hình ảnh người con hoang đàng. Chẳng hạn: thánh Phêrô, thánh Âugustinô, Thánh Phanxicô Asisi, á thánh Charles de Foucauld… Tất cả những con người thánh ấy, đều đã có một thời gian sai phạm, nhưng đã tự tin đứng lên về cùng Chúa. Họ đã thành công. Họ đã nên thánh. Chính tình yêu của Chúa đã trao cho họ động lực hoán đổi đời mình. Cũng vậy, Chúa vẫn bao bọc đời ta bằng tình yêu triều mến của Chúa. Tin tưởng Chúa không bỏ ta, ta sẽ đủ nghị lực, đủ mạnh mẽ mà dứt khoát giả từ tội lỗi, trở về cùng Chúa.

LM. VŨ XUÂN HẠNH

 

Mục lục

 

 

CON ĐƯỜNG TU ĐỨC

 

 

CÒN SÓT LẠI

 

Mỗi năm, đến lễ kính Tổng lãnh thiên thần Micae (24.9), toàn thể Giáo phận Long Xuyên lại đặc biệt hướng về Đức cha Nguyễn Khắc Ngữ mến yêu, ngài là Giám mục tiên khởi của giáo phận Long Xuyên chúng tôi.

 

Năm nay Đức cha Micae 98 tuổi. Với số tuổi này, Ngài thuộc lớp Giám mục cao niên nhất còn hiện diện giữa Giáo hội Việt Nam hôm nay. Vì thế, mọi nơi, mọi người thuộc Giáo hội Việt Nam hiện nay có quyền được biết về nhân vật rất đáng kính này. Có thể nói : Đã từ lâu rồi, Ngài không còn là của riêng giáo phận Long Xuyên, nhưng là của chung Giáo hội Việt Nam một cách nào đó.

 

Dẫu sau, tôi vẫn coi Ngài là một ân huệ lớn lao, Chúa đã ban cho tôi, cho Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu và cho giáo phận Long Xuyên này.

 

Hôm nay, tôi sẽ chỉ thông tin về chân dung Đức cha Micae lúc này trong tuổi 98, dưới cái nhìn của tôi lúc này đang 80 tuổi.

 

Chân dung Ngài mà tôi sắp gởi đi sẽ rất đơn sơ. Chỉ có 3 nét rút ra từ Kinh Thánh.

 

  1. Số nhỏ” còn sót lại.

 

Trong sách tiên tri Sôphônia, Chúa phán : “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo khó và bé nhỏ. Chúng sẽ tìm nương tựa nơi danh Đức Chúa” ( Xp 3, 12).

 

Lời Chúa phán trên đây dẫn tôi nhìn vào Đức cha Micae. Tôi thấy Đức cha Già của chúng tôi thuộc số nhỏ, Chúa cho còn sót lại giữa xã hội hôm nay ”Số nhỏ còn sót lại”  này có những đặc điểm sau đây :

 

-                                 Nghèo khó,

-                                 Bé nhỏ,

-                                 Tìm ẩn mình trong Chúa.

 

Những năm trước đây, Đức Cha Micae vốn có những đặc điểm đó. Với năm tháng, những đặc điểm này càng rõ thêm. Bây giờ thì tình trạng già hưu càng làm cho những đặc điểm đó in sâu vào con người của Ngài. Chính cái nghèo khó, bé nhỏ và tìm ẩn mình trong Chúa nơi Ngài đã trở thành những giá trị thiêng liêng đầy sức thu hút. Hơn nữa, chính những giá trị thiêng liêng này đã trở nên chiếc máng vô hình Chúa đang dùng, để chuyển ơn Chúa đến bao con người.

 

Riêng tôi, những lần được gần gũi Đức cha Micae, tôi nhận được rõ ràng nguồn ơn thương xót Chúa. Cảm nhận đó làm tôi nhớ lại lời Thánh vương Đavít diễn tả :

 

Như người cha chạnh lòng thương con cái.

Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn

Người quá biết chúng ta được nhồi nắn bằng gì,

Hẳn Người nhớ ; ta chỉ là cát bụi…

Một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.

Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại

Dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn”( Tv 103, 13-17).

 

Vâng, một thân phận quá mong manh, nhưng vì hết lòng kính tôn Chúa, chỉ biết nương tựa nơi Chúa, nên đã được Chúa xót thương. Mong manh, nên càng ngày càng trở nên nhẹ nhàng, nâng được nhiều tâm hồn lên với Chúa.

 

  1. Chút bột và dầu còn sót lại

 

Sách Các Vua, quyển I, kể rằng tiên tri Êlia được Chúa sai đến thành Xarepta. Thời đó đang khô cạn. Khi đến cổng thành, ông xin uống. Bà trả lời : Bà chỉ có một chút bột và dầu còn xót lại trong bình. Nhưng vì ông xin, bà đã dùng chút bột và dầu đó, để phục vụ ông. Chúa đã làm phép lạ cho chút bột và chút dầu đó, tuy dùng mỗi ngày mà vẫn không hết. (1V 17, 7- 16).

 

Đọc chi tiết trên đây, tôi nghĩ tới Đức cha Già của tôi. Tôi có cảm tưởng. Về cuối đời, Ngài như vơi nghị lực. Chút nghị lực còn sót lại có thể ví như chút bột và chút dầu, mà bà goá thành Xarepta nói là còn sót lại trong bình. Nhưng, vì bác ái, Đức cha Già đã dùng những của khiêm tốn đó, để phục vụ.

 

Khi người ta cho đi những gì cần thiết nhất cho cuộc sống mình, thì cử chỉ đó được kể như thánh. Lúc đó, cuộc đời là phục vụ, và cũng là phụng vụ.

 

Vì thế, thường thường, trước khi vào nhà thờ tham dự thánh lễ, tôi tới phòng Đức cha Micae. Với những hy sinh triền miên do tuổi già sức yếu, Ngài là một thánh lễ sống động. Nhìn Ngài, tôi hiểu ; Một việc phục vụ nhỏ, nhưng với tình yêu và tinh thần hy sinh lớn, sẽ có giá trị trước Chúa hơn nhiều việc lớn lao mà nghèo tình yêu và hy sinh.

 

  1. Với chút sự sống còn sót lại.

 

Phúc âm thánh Gioan kể lại một lời báo trước Chúa Giêsu gởi thánh Phêrô :

 

Thật, Thầy bảo thật cho con biết : Lúc còn trẻ, con tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, con sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn đến nơi con chẳng muốn” ( Ga 21, 18).

 

Đúng là như vậy. Khi tuổi càng già, sức càng giảm, bệnh càng nặng, thì chút sự sống còn lại sẽ rất yếu ớt. Lúc đó, việc gì hầu như cũng phải nhờ đến người khác, mọi lựa chọn hầu như cũng do người khác quyết định. Nhưng chính lúc đó, quyền năng của Chúa lại được tỏ hiện rõ ràng, ở chỗ đức tin cho người trong cuộc nhìn thấy rõ họ tin cậy vào ai. Niềm tin cậy là những kho tàng. Những kho tàng ấy được chứa đựng ở con người mà thánh Phaolô gọi là chiếc bình sành dễ vỡ : “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứ đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4, 7).

 

Tôi đang thấy như vậy nơi Đức cha Micae lúc này. Ngài như đang nói những lời thánh Phaolô nói xưa : “Dù con người của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới”  ( 2 Cr 4, 16).

 

Quả thật, chúng ta biết rằng : Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi do Thiên Chúa dựng nên, một ngôi nhà vĩnh viễn ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5, 1).

 

Đức cha già yếu như nhấn mạnh qua tuổi già của mình một điểm quan trọng : Muốn được như vậy, thì phải vâng phục phó thác cậy tin.

 

Trên đây là một phác hoạ chân dung Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, người cha của tôi. Với những nét rút từ Kinh Thánh, chân dung Ngài sẽ là một bài ca cảm tạ Thiên Chúa, một chia sẻ thân tình kính gởi gia đình Hội thánh, một chút giới thiệu Tin Mừng cho quê hương Việt Nam, một bông hoa hiếu thảo của đoàn con đặt vào bàn tay gầy ốm người cha đang ôm thánh giá như hồng ân cứu độ.

 

Long Xuyên 5.9.2007

ĐGM GB Bùi Tuần

 

Mục lục

 

 

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

Tường thuật chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tại Áo quốc

 

NGÀY THỨ I

 

VIENNE. Sáng 7-9-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã rời Roma, lên đường viếng thăm mục vụ tại Áo trong vòng 3 ngày, cho đến chiều chúa nhật 9-9-2007, nhân dịp kỷ niệm 850 năm thành lập Đền thánh Đức Mẹ Mariazell là đền thánh quốc gia của Áo.

Tiễn biệt ĐTC tại Phi trường Ciampino ở Roma có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Romano Prodi, và một số chức sắc đạo đời.

Trong số hơn 8 triệu 200 ngàn dân cư hiện nay tại Áo, có gần 6 triệu tín hữu Công Giáo, tương đương với 72,7% dân số toàn quốc. Theo thống kê mới nhất, tại Áo hiện có 26 GM, hơn 4.300 LM, trong số này có 2650 linh mục giáo phận. Ngoài ra có 534 phó tế vĩnh viễn, 440 tu huynh và hơn 5 ngàn nữ tu. Bình quân tại Áo cứ 1.380 giáo dân thì có một linh mục. Trong những năm qua, Giáo Hội tại Áo đã trải qua những sóng gió, số tín hữu Công Giáo giảm sút 6% trong vòng 10 năm gần đây, và giảm 20% trong vòng 30 năm qua.

ĐTC đã tới phi trường thành phố Vienne vào lúc 11 giờ 15, dưới trời mưa tầm tã và lạnh lẽo. Mưa đã kéo dài từ vài ngày nay. Vì thế nghi thức tiếp đón được dời vào trong một nhà chứa máy bay. Tại đây đoàn quân danh dự đã chờ sẵn cùng với ban quân nhạc, và lối 100 em học sinh, đặc biệt là tổng thống Áo, Ông Heinz Fischer, cùng với ĐHY Christoph Schoenborn O.P của giáo phận Vienne, các giới chức chính quyền dân sự, và các GM.

Trong diễn văn đầu tiên sau lời chào mừng của Tổng thống Áo, ĐTC đã nhắc đến những quan hệ đặc biệt của ngài với nước Áo, và nhấn mạnh lý do cuộc viếng thăm của ngài lần này là dịp kỷ niệm 850 thành lập Đền thánh Mariazell. Ngài vui mừng ghi nhận trong những năm gần đây, số người đến hành hương tại Mariazell ngày càng gia tăng, cả giới trẻ cũng tìm thấy trong cuộc hành hương một con đường mới để suy tư và suy niệm, quen biết lẫn nhau và tìm lại nhau, không những trước thiên nhiên, nhưng cả trước lịch sử đức tin, và nhiều khi họ cảm nghiệm lịch sử ấy như một sức mạnh cho hiện tại.

TẠI CỘT ĐÀI ĐỨC MẸ

Sau nghi tiếp đón tại Phi trường, ĐTC đã về Quảng trường Am Hof rất cổ kính, ở giữa có một cột đài bằng đồng trên đó có tượng Đức Mẹ, được dựng lên cách đây 340 năm (1667). Cũng tại Quảng trường này có Thánh đường ”9 ca đoàn thiên thần” hiện được giao cho cộng đoàn Công Giáo người Croát.

Tại quảng trường, lối 1 ngàn tín hữu, trong Áo mưa mầu vàng và che dù, đã đứng đợi ĐTC từ lâu, dù trời lạnh. Tại đây, ĐTC đã được ông đô trưởng Vienne tiếp đón cùng với cha quản đốc thánh đường. Ngài được hướng dẫn tiến lên bao lơn có mái che, nhìn xuống quảng trường trước cột đài Đức Mẹ, trước sự hiện diện của các tín hữu.

ĐTC nói với các tín hữu rằng: ”Với tâm tình mẹ hiền, ngày hôm nay, Đức Maria cũng đón nhận và bảo vệ con người thuộc mọi ngôn ngữ và văn hóa, để dẫn đưa họ, hiệp nhất trong sự đa dạng, tiến về Chúa Kitô. Trong những âu lo khốn cùng, chúng ta có thể chạy đến cùng Mẹ. Nhưng từ Mẹ chúng ta cũng phải học cách đón nhận lẫn nhau với cùng tình yêu thương mà Mẹ đón nhận tất cả chúng ta: mỗi người trong đặc tính riêng, được Thiên Chúa yêu thương và muốn như thế. Trong gia đình đại đồng của Thiên Chúa, trong đó mỗi người có một chỗ, mỗi người phải phát triển những ơn riêng đã nhận lãnh để mưu ích cho tất cả mọi người.”

ĐTC phải ngưng bài huấn dụ vì máy vi âm bị hư trong vòng 15 phút, có lẽ vì mưa nhiều quá, theo lời giải thích của chuyên gia đài truyền hình Áo.

Rời cột đài Đức Mẹ, ĐTC tiến vào bên trong thánh đường, tham dự nghi thức đặt Mình Thánh Chúa. Thánh Thể tiếp tục được đặt tại thánh đường này để các bạn trẻ và tín hữu khác thay phiên nhau chầu Thánh Thể tại đây suốt trong 3 ngày ĐTC lưu lại tại Áo.

Trước khi về tòa Sứ Thần Tòa Thánh, ĐTC đã dừng lại tại Quảng trường Do thái và tiến đến Đài tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Do thái, nhắc nhớ 65 ngàn ngàn người Do thái Áo bị tàn sát.

Khi đến Đài tưởng niệm, ĐTC đã được Rabbi trưởng của thành phố Vienne cùng với các 6 ngàn người Do thái ở Vienne và các nơi khác ở Áo đón tiếp dưới trời mưa. Ngài mặc niệm trước đài có hình khối chữ nhật và im lặng nghe các Rabbi đọc một kinh ngắn.

GẶP CHÍNH QUYỀN VÀ NGOẠI GIAO ĐOÀN

Lúc 5 giờ rưỡi chiều, ĐTC đến thăm tổng thống Áo tại Phủ tổng thống, và sau đó ngài gặp ngoại giao đoàn tại đây cùng với các giới chức chính quyền Áo. Hiện diện tại phòng khánh tiết có 183 vị đại biểu quốc hội, 60 thượng nghị sĩ, các vị thống đốc các bang của Áo, ngoại giao đoàn và đại diện giới văn hóa.

Sau một bài nhạc và lời chào mừng của Tổng thống Heinz Fischer, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người. Ngài đề cao vai trò quan trọng của nước Áo, nhất là sự phát triển liên đới xã hội của nước này, vai trò đặc biệt của Áo trong việc mở rộng Liên hiệp Âu Châu, nhất là đối với các nước Đông Âu. Đề cập đến Âu Châu, ĐTC nhấn mạnh rằng:

”Âu Châu không thể và không được chối bỏ căn cội Kitô của mình. Các căn cội này là một nhân tố sinh động của mền văn minh chúng ta để tiến bước trong ngàn năm thứ ba. Kitô giáo đã hình thành đại lục này một cách sâu xa, bằng cớ là tại tất cả các nước, đặc biệt là nước Áo, không những có rất nhiều thánh đường và các đan viện quan trọng, nhưng đức tin còn được biểu lộ nhất là trong vô số những tín hữu, qua dòng lịch sử, đã sống một cuộc sống hy vọng, yêu thương và từ bi bác ái. Mariazell Đại đền thánh quốc gia của Áo, đồng thời cũng là một nơi gặp gỡ của nhiều dân tộc Âu Châu. Đó là một trong những nơi mà từ đó con người đã và đang kín múc ”sức mạnh từ trên cao” để sống ngay chính”.

ĐTC cũng mạnh mẽ bênh vực sự sống con người và nói rằng:

”Chính tại Âu châu này, lần đầu tiên ý niệm về các quyền con người được hình thành. Nhân quyền căn bản, tiền đề của tất cả mọi quyền khác, chính là quyền sống. Quyền này có giá trị đối với sự sống, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Vì thế, phá thai không thể là một quyền con người - nó là sự đối nghịch quyền con người. Đức Cố HY Franz Koenig không ngừng lập lại rằng ”Phá thai là một vết thương xã hội sâu đậm..”.

”Tôi kêu gọi các vị hữu trách chính trị, đừng để cho các trẻ em bị coi như những trường hợp bệnh hoạn và đừng để cho hệ thống pháp lý của quí vị bãi bỏ sự lên án dành cho việc phá thai... Một khía cạnh khác là làm hết sức để làm cho các nước Âu Châu tái cởi mở hơn trong việc đón nhận các trẻ em. Hãy khuyến khích những người trẻ trở thành cha mẹ, qua việc kết hôn thành lập những gia đình mới. Quí vị cũng mưu ích không những cho họ nhưng cho toàn thể xã hội nữa. Chúng tôi mạnh mẹ khích lệ quí vị trong nỗ lực chính trị tạo những điều kiện thuận lợi giúp các đôi vợ chồng trẻ nuôi dưỡng con cái. Nhưng tất cả những điều đó không giúp ích gì nếu chúng ta không tái tạo trong các đất nước chúng ta một bầu không khí vui mừng và tin tưởng nơi sự sống, trong đó các trẻ em không bị coi như gánh nặng, trái lại như một món quà cho tất cả mọi người”.

ĐTC bày tỏ lo âu vì trào lưu cổ võ trợ tử, ”e rằng một ngày kia những người già yếu bệnh tật sẽ bị áp lực yêu cầu được chết hoặc tự tử. Câu trả lời đúng đắn cho vấn đề đau khổ vào cuối đời chính là một sự quan tâm đầy yêu thương, tháp tùng người bệnh tiến về sự chết, đặc biệt với sự trợ giúp của y khoa chống đau, chứ không phải là tích cực trợ tử.”

Sau cùng, ĐTC nhắc đến những trách vụ của Âu Châu trong thế giới ngày nay. Về phương diện dân số, Đại lục này đang mau lẹ già nua và không được trở thành một đại lục già nua về tinh thần... ”Liên hiệp Âu Châu phải giữ một vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống nghèo đói trên thế giới, và trong sự dấn thân bênh vực hòa bình. Âu châu cũng không được quên tình trạng ngày càng trầm trong tại Trung Đông, đang cần có sự đóng góp của mọi người để tạo điều kiện thuận lợi cho sự từ bỏ bạo lực, đối thoại với nhau và sống chung hòa bình thực sự”.

NGÀY THỨ II


MARIAZELL. Hôm 8-9-2007, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, ĐTC Biển Đức 16 đã đến hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Mariazell, cử hành thánh lễ cho 33 ngàn tín hữu hành hương và chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể với các linh mục, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh.


Bầu trời nước Áo hôm 8-9 tiếp tục ở trong tình trạng mây phủ, mưa lạnh, tuy không ở cường độ như như ngày hôm trước. Vì thế, thay vì dùng trực thăng để tới Mariazell, ngài phải đi xe hơi đi vượt qua đường núi dài 110 cây số.


Đền thánh Đức Mẹ Mariazell, ở cao độ 870 mét và thuộc lãnh thổ giáo phận Graz Seckau. Đây là trung tâm Thánh Mẫu quan trọng nhất tại Áo và cho cả vùng Trung Âu nữa. Đền thánh được Cha Magnus dòng Biển Đức thành lập cách đây 850 năm và hiện ở giữa một ngôi làng chỉ có 2 ngàn dân cư. Mỗi năm có khoảng 1 triệu tín hữu đến hành hương tại đây. Trong đền thánh có một pho tượng Đức Mẹ tạc bằng gỗ, có bồng Chúa Con trên đầu gối, tay Chúa cầm một quả táo, tượng trưng cho Vương Quốc.


Năm 1983, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử đến kính viếng Đền thánh Đức Mẹ Mariazell, và nay đến lượt ĐTC Biển Đức 16, tuy rằng trong cuộc đời, ngài đã đến đây nhiều lần, lần chót vào năm 2004 khi còn là Hồng Y Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.


THÁNH LỄ

 

33 ngàn tín hữu đã đăng ký trước và đến bằng 800 xe bus, được trang bị để chống mưa và lạnh, với áo mưa bằng plastic màu vàng, màu đỏ và trắng trong. 2 ngàn người ở bên trong và chung quanh Đền thánh, trong khi 10 ngàn người khác ở khu vực đền thánh trước lễ đài. Tại những khu vực khác, hơn 10 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ qua màn hình khổng lồ.


ĐTC đã kính viếng Mình Thánh Chúa và tượng Đức Mẹ trước khi đi cùng với 70 HY, GM Áo và nước ngoài, trong phẩm phục màu trắng, vàng và xanh da trời, đi rước ra lễ đài. Các GM cũng mặc áo mưa plastic trắng trong.


Trong số những người hiện diện cũng có Ông Bà tổng thống Áo Heinz Fischer, Anh ruột của ĐTC đến từ Đức, Đức Ông Georg Ratzinger, 83 tuổi. Cạnh bàn thờ có tượng Đức Mẹ Mariazell được rước đến đây và đặt trên một cột cao.

 

Trong lời chào ĐTC, Đức Cha Kapellari, GM giáo phận Graz sở tại, đặc biệt nói rằng: ”Mặc dù trời mưa, chúng con biết chống lại được!”. Ngài giới thiệu lên ĐTC các phái đoàn từ các láng giềng, và đại diện của tất cả các miền toàn nước Áo.


ĐTC cũng ứng khẩu cám ơn tất cả mọi người vì mặc dù trời mưa lạnh vẫn đến đây đông đảo để tham dự thánh lễ.ĐTC đã dành phần lớn bài giảng để diễn giải về chủ đề cuộc viếng thăm của ngài tại Áo là ”Hướng nhìn về Chúa Kitô”. Ngài nói:


”Đối với người đang tìm kiếm, lời mời gọi ”Hướng nhìn về Chúa Kitô”này luôn tái trở thành một lời yêu cầu tự phát, một lời thỉnh cầu đặc biệt dâng lên Mẹ Maria, Đấng đã ban cho chúng ta Đức Kitô như Con của Mẹ: ”Xin Mẹ tỏ Chúa Giêsu cho chúng con”. Ngày hôm nay, với trọn tâm hồn, chúng ta hãy cầu nguyện như vậy, tìm kiếm tôn nhan Đấng Cứu Thế: Xin tỏ Chúa Giêsu cho chúng con. Mẹ Maria đáp lại, giới thiệu Chúa cho chúng ta, đặc biệt như một trẻ em. Thiên Chúa trở nên bé nhỏ vì chúng ta. Thiên Chúa không đến với sức mạnh bề ngoài, nhưng đến với sức mạnh của tình thương là sức mạnh của Ngài. Chúa cũng mời gọi chúng ta trở nên bé nhỏ, mời chúng ta xuống khỏi tòa cao của chúng ta và học cách trở nên trẻ nhỏ trước Thiên Chúa. Chúa yêu cầu chúng ta hãy tín thác nơi Ngài và nhờ đó, học cách ở lại trong sự thật và tình thương. Tự nhiên Chúa Hài đồng Giêsu gợi cho chúng ta tất cả các trẻ em trên thế giới, qua các em Chúa muốn đến gặp chúng ta. Những trẻ em đang sống trong nghèo đói; những trẻ em bị bóc lột như chiến binh; những trẻ em không bao giờ được cảm nghiệm tình thương của cha mẹ; các em bệnh tật đau khổ và cả những trẻ em vui tươi và lành mạnh. Châu Âu đã trở nghèo trẻ em: chúng ta muốn tất cả cho chính chúng ta, và có lẽ chúng ta không tín nhiệm nhiều nơi tương lai. Nhưng nếu thiếu tương lai, thì trái đất sẽ trơ trọi khi những sức mạnh của con tim nhan trần và sức mạnh của lý trí tắt lịm - khi tôn nhan Thiên Chúa không còn chiếu tỏa rạng ngời trên trái đất nước. Nơi nào có Thiên Chúa, nơi ấy có tương lai.”


Cuối thánh lễ, ĐTC đã bày tỏ tình liên đới với dân chúng tại một số miền ở Áo bị lụt trong những ngày này vì mưa liên lỷ. Ngài chia buồn với thân nhân của 2 tín hữu hành hương cao niên, 83 và 80 tuổi bị thiệt mạng trong những ngày này vì bệnh tim. Ngài cũng chào thăm các tín hữu đến từ nước ngoài bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.


Tiếp đến, ĐTC đã chúc lành cho các thành viên Hội đồng giáo xứ mới đắc cử cho nhiệm kỳ 2007, thuộc các giáo phận toàn nước Áo. Ngài nhắn nhủ các thành viên hãy đón nhận và sống lời Chúa, theo gương Mẹ Maria, Anh chị em hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn mọi quyết định trong gia đình, trong công ăn việc làm và trong cộng đoàn Kitô. Hãy trung thành với sứ mạnh đã nhận lãnh và hăng hái vui tươi ra đi đến cùng mọi thụ tạo để loan báo cho họ các hồng ân cứu độ. Ngài trao cho 10 vị đại diện các Hội đồng Giáo Xứ, mỗi vị hai sách tân ước là Tin Mừng theo thánh Luca và Tông Đồ công vụ, với lời nhắn nhủ rằng: Anh chị em hãy tiếp tục viết lên sách Tông Đồ công vụ trong đời sống của anh chị em”.


Tuy bắt đầu trễ, nhưng thánh lễ ĐTC cử hành vẫn kết thúc lúc 12 giờ rưỡi đúng như chương trình dự định. Ngài đã dùng bữa trưa với các GM Áo và các HY GM thuộc đoàn tùy tùng trong nhà khách của trung tâm Thánh Mẫu Mariazell.


KINH CHIỀU


Lúc 5 giờ chiều, ĐTC đã chủ sự buổi hát kinh chiều với 1 ngàn người gồm 70 GM, các LM, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh. Nhiều giáo dân tham dự buổi hát kinh qua màn hình từ bên ngoài. Đức Giám Mục Kapellari của giáo phận Graz sở tại đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ tại Áo và các nơi khác trên thế giới.


Buổi hát kinh được mở đầu với nghi thức đốt nến, và mọi người tay cấm nến sáng lần lượt hát các thánh vịnh của kinh chiều lễ Đức Mẹ.


Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến sứ mạng chung của tất cả các tín hữu Kitô là loan báo Nước Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là mọi người phải dấn thân hiện diện trong thế giới như chứng nhân của Chúa. Ngài nói: ”Anh chị em làm chứng về một niềm hy vọng, bất chấp mọi thứ tuyệt vọng ngấm ngầm hoặc công khai, niềm hy vọng ấy đáp ứng lòng trung thành và quan tâm yêu thương của Thiên Chúa.. Anh chị em hãy làm chứng về Đấng là Tình Thương, đã hiến thân cho nhân loại và đã chiến thắng sự chết. Anh chị em hãy đứng về phía những người không bao giờ cảm nghiệm tình thương, và không còn tin tưởng được nơi cuộc sống nữa. Như thế, anh chị em chống lại nhiều thứ bất công ngấm ngầm hoặc công khai, chống lại cả thái độ coi rẻ con người đang lan tràn.


ĐTC gợi lại tấm gương chứng tá của thánh Gioan Tẩy Giả, người mà Chúa Giêsu đã ví như ngọn đèn cháy sáng (Gv 5,35). Ngài nói: ”Cả anh chị em cũng hãy trở nên những ngọn đèn như vậy! Hãy làm cho ánh sáng của anh chị em chiếu sáng trong xã hội chúng ta, trong lãnh vực chính trị, nơi giới kinh tế, văn hóa và nghiên cứu. Dù chỉ là một ngọn đèn nhỏ giữa bao nhiêu ngọn lửa hời hợt, ngọn đèn ấy vẫn nhận được sức mạnh và ánh quang huy hoàng từ Vì Sao Mai lớn, là Chúa Kitô Phục Sinh, ánh sáng của Chúa chiếu sáng không bao giờ tàn lụi”.


ĐTC nói thêm rằng ”Theo Chúa kitô có nghĩa là tăng trưởng trong sự chia sẻ cùng tâm tình và hấp thụ lối sống của Chúa Giêsu (Fil 2,5). ”Hãy nhìn về Chúa Kitô” là chủ đề những ngày viếng thăm này. Khi nhìn Chúa Kitô là vị Đại Tôn Sư của cuộc sống, Giáo Hội khám phá 3 đặc tính nổi bật trong thái độ cơ bản của Chúa Giêsu. 3 đặc tính ấy chúng ta gọi là 3 lời khuyên phúc âm, chúng trở thành những yếu tố quyết định trong đời sống dấn thân quyết liệt theo Chúa Kitô: thanh bần, khiết tịnh và vâng phục.


Kinh chiều được kết thúc với cuộc rước tới trước tượng Đức Mẹ Mariazell trong khi cộng đoàn hát kinh cầu Đức Mẹ. và sau cùng ĐTC ban phép lành cho mọi người.


ĐTC đã trở về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Vienne để dùng bữa tối và qua đêm.



 

KẾT THÚC

 

ROMA. Tối chúa nhật 9-9-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã về đến Roma bằng an, kết thúc tốt đẹp cuộc viếng thăm mục vụ 3 ngày tại Áo, mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa liên lỷ trong 2 ngày đầu tiên. Tổng cộng đã có hơn 110 ngàn người đến tham dự các buổi lễ và các cuộc gặp gỡ với ĐTC, không kể những người tham dự qua truyền hình.


VIẾNG THĂM ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH GIÁ


Chiều chúa nhật 9-9-2007, ĐTC đã đến viếng Đan viện Xitô Thánh Giá, cách thủ đô Vienne 25 cây số, một đan viện cổ kính được thánh Leopoldo III thành lập năm 1133 theo lời xin của con ngài là thánh Otto, đã gia nhập dòng Xitô vài năm trước đó tại Đan viện Morimond bên Pháp. Hơn nửa thế kỷ sau khi được thành lập, Đan viện này được Quận công Leopoldo V tặng thánh tích Thánh Giá thật của Chúa Giêsu và vẫn còn được kính viếng ngày nay.


Trong thời Đức quốc xã, từ 1938 đến 1945, Đan viện bị quốc hữu hóa và nhiều Đan sĩ bị giam cầm. Sau thế chiến thứ hai, Đan viện được phục hồi và canh tân dưới sự điều khiển của Viện phụ Karl Braunstorfer (1945-1968). Ngày nay, Đan viện Xitô Thánh Giá có hơn 80 đan sĩ, và là Đan viện đông nhất tại Âu Châu. Đặc biệt Phân khoa thần học tại đây đã được gọi làn Phân khoa Giáo Hoàng và mới đây được mang tên là Phân Khoa Biển Đức 16, với hơn 100 sinh viên thần học đến từ các giáo phận và dòng tu.


Khi đến đan viện lúc quá 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC được Đức viện phụ Gregor Henckel Donnersmarck đón tiếp và hướng dẫn vào thánh đường đan viện, viếng Mình Thánh Chúa, thánh tích Thánh Giá. Gần 1 ngàn người đã ngồi chật nhà thờ.


Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC đặc biệt đề cao sứ mạng và ơn gọi của các Đan sĩ chiêm niệm, đồng thời cho biết sở dĩ ngài muốn đến đan viện có lịch sử phong phú này là để lưu ý về qui luật cơ bản của thánh Biển Đức cũng là tu luật của các Đan sĩ Xitô, đó là” ”Không coi sự gì cao trọng hơn kinh Thần Vụ”. ĐTC nói:


”Trong đời sống của các Đan sĩ, kinh nguyện có một tầm quan trọng đặc biệt: nó là trung tâm các nghĩa vụ chuyên nghiệp của họ. Thực vậy, họ thi hành nghề cầu nguyện. Vào thời các Giáo Phụ, đời sống đan tu được coi là một cuộc sống theo kiểu các thiên thần. Và vì đặc tính thiết yếu của các thiên thần chính là những người thờ lạy Chúa, nên các đan sĩ cũng phải như vậy. Họ cầu nguyện không phải để xin điều này điều kia, nhưng chỉ vì Thiên Chúa đáng được thờ lạy.”


”Đồng thời, kinh thần vụ của những người thánh hiến cũng là một dịch vụ thánh thiêng dành cho con người và là một chứng tá cho họ. Dù ý thức hay vô tình, mỗi người mang trong thẳm sâu tâm hồn mình một sự nhớ nhung hạnh phúc tuyệt đối, và xét cho cùng đó là một sự khao khát Thiên Chúa. Đan viện, trong đó các đan sĩ tập hợp nhiều lần trong ngày để chúc tụng Thiên Chúa, làm chứng rằng ước muốn nguyên thủy ấy của con người không phải là điều trống rỗng: Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa không đặt để nhân loại chúng ta trong tối tăm kinh khủng, trong đó chúng ta phải mò mẫm tìm kiếm một ý nghĩa tối hậu của mình một cách tuyệt vọng (cf TĐCV 17,27); Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta trong một sa mạc hư vô, vô nghĩa, chỉ có chết chóc chờ đợi chúng ta! Không phải vậy, Thiên Chúa đã soi sáng những tăm tối của chúng ta bằng ánh sáng của Ngài, nhờ hoạt động của Con Ngài là Đức Giêsu Kitô. Trong Chúa Con, Thiên Chúa đi vào thế giới chúng ta với tất cả sự sung mãn của Ngài (cf Col 1,19)..


ĐTC nhắn nhủ các LM tu sĩ nam nữ hiện diện tại thánh đường Đan viện rằng: ”Tôi biết cần phải có kỷ luật để nhiều khi vượt thắng chính mình hầu trung thành đọc sách nguyện. Nhưng chính nhờ kinh thần vụ, chúng ta nhận được nhiều điều phong phú: bao nhiêu lần khi đọc kinh nguyện, những mệt mỏi và tình trạng xuống tinh thần tan biến. Nơi nào Thiên Chúa được trung thành chúc tụng và thờ lạy, thì sẽ không thiếu phúc lành của Ngài. Vì thế, tại Áo người ta thật có lý mà nói: ”Tất cả tùy thuộc phúc lành của Chúa”.


Sau cùng ĐTC nhắc đến Phân khoa thần học Giáo Hoàng tại Đan viện này, năm nay kỷ niệm 205 năm thành lập. Ngài nhắn nhủ rằng: Thiên Chúa không phải chỉ là đối tượng của khoa thần học, nhưng đồng thời Chúa cũng là Chủ thể sinh động của khoa này. Thần học Kitô giáo không bao giờ chỉ là một diễn văn của con người về Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó vẫn luôn là Logos, là Lời, và lý lẽ qua đó Thiên Chúa tự mạc khải. Vì thế, trí thức khoa học và lòng sùng mộ sống thực, chính là 2 yếu tố của việc nghiên cứu học hành, không thể từ bỏ được, chúng bổ túc và lệ thuộc lẫn nhau.


Trước khi giã từ Đan viện, ĐTC còn lên bao lơn của Phân khoa thần học để chào thăm và ban phép lành cho hàng ngàn tín hữu tụ tập ở khuôn viên.


GẶP GIỚI THIỆN NGUYỆN

Hoạt động cuối cùng của ĐTC tại thủ đô Vienne chiều 9-9-2007 là cuộc gặp gỡ với gần 2 ngàn đại diện của các tổ chức thiện nguyện của Giáo Hội và xã hội dân sự Áo tại nhà hòa nhạc cách Đan viện Thánh Giá 27 cây số. Hiện diện tại đây cũng có tổng thống Áo Heinz Fischer và nhiều GM, cũng như các giới chức đạo đời.


Hai bạn trẻ thiện nguyện và Đức Cha Alois Kothgasser, TGM giáo phận Salzburg, cùng với tổng thống Fischer đã chào mừng ĐTC.


Trong diễn văn tại buổi gặp gỡ ĐTC nhắc đến nhiều động lực khác nhau thúc đẩy sự dấn thân của những người thiện nguyện, nhiều khi chỉ là ước muốn thực hiện một cái gì có ý nghĩa, hữu ích và mở ra những lãnh vực kinh nghiệm mới; nhiều khi những ý tưởng và sáng kiến cá nhân có liên hệ tới một tình thương tha nhân cụ thể... Chính nhờ sự dấn thân của những người thiện nguyện, việc giúp đỡ duy trì được một chiều kích nhân bản và không trở nên những công việc vô hồn. Chính vì thế, ĐTC nói, 'anh chị em thiện nguyện không phải là những người ”lấp đầy chỗ trống” trong hệ thống hoạt động xã hội của nhà nước, nhưng là những người góp phần mang lại bộ mặt xã hội và Kitô cho xã hội chúng ta'.


ĐTC ghi nhận rằng các công tác thiện nguyện thuộc về một nền văn hóa không muốn tính toán mọi sự và cái gì cũng phải trả tiền; nó tránh cho tương quan giữa con người với nhau không phải chỉ là tương quan quyền lợi và nghĩa vụ. Chính nhờ bao nhiêu người dấn thân một cách nhưng không mà cuộc sống trở thành một món quà nhưng không. Dù những động lực và con đường dấn thân có khác nhau thế nào đi nữa, xét cho cùng, tất cả chúng đều có một điểm xuất phát chung là sự ”nhưng không, miễn phí”. Chúng ta đã lãnh nhận sự sống một cách nhưng không từ Đấng Tạo Hóa, được giải thoát nhưng không từ con đường mù quáng của tội lỗi và sự ác, được ban Thánh Linh một cách nhưng không với các hồng ân đa dạng của Ngài... Chúng ta thông truyền một cách nhưng không những gì chúng ta đã nhận lãnh, qua sự dấn thân và công tác thiện nguyện của chúng ta”.


”Nếu không có sự dấn thân thiện nguyện thì công ích và xã hội đã, đang và sẽ không thể trường tồn.”

Sau cùng, ĐTC nhắc nhở các những người thiện nguyện về sức mạnh và tầm quan trọng của việc cầu nguyện, dấn thân trong công tác từ thiện. Ngài nói: ”Kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa chính là con đường ra khỏi ý thức hệ hoặc thái độ cam chịu trước những nhu cầu vô biên. 'Các tín hữu kitô tiếp tục tin nơi lòng từ nhân và tình thương của Thiên Chúa đối với loài người, mặc dù bao nhiêu hiểu lầm hoặc hỗn độn trong thế giới xung quanh' (Tt 3,4). Tuy cũng chìm đắm như bao nhiêu người khác trong tình trạng phức tạp của những thăng trầm lịch sử, nhưng họ kiên vững trong xác tín Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta không hiểu sự im lặng của Chúa”.


Giã từ những người thiện nguyện Áo, ĐTC đã ra phi trường thủ đô Vienne. Tại đây đã diễn ra nghi thức từ biệt với sự hiện diện của Tổng thống, các vị lãnh đạo chính quyền, và hàng GM Áo cùng với một số tín hữu.


Máy bay của hãng hàng không Áo chở ĐTC, đoàn tùy tùng và các ký giả tháp tùng rời phi trường Vienne lúc 20 giờ 15. 68 ký giả tháp tùng ĐTC đã ngạc nhiên vì thấy máy bay lượn vòng vòng không chịu đi luôn, nhưng cha F. Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh kiêm Tổng giám đốc Đài Vatican, giải thích rằng: từ trên không trung ĐTC làm phép Tổng hành dinh mới của hãng hàng không Áo (Austrian Airlines).


Máy bay chở ĐTC đã về đến phi trường Ciampino của Roma lúc quá 10 giờ, trễ hơn nửa tiếng so với chương trình dự kiến. Liền đó, ĐTC đã dùng xe đi về dinh thự Castel Gandolfo cách đó 9 cây số. Ngài tiếp tục lưu lại đây cho đến cuối tháng 9 này.

 

LM Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cũng là Tổng giám đốc Đài Vatican, thuộc đoàn tùy tùng của ĐTC, cho biết tổng kết cuộc viếng thăm của ĐTC rất tích cực vì tất cả các mục tiêu chính Giáo Hội tại Áo và ĐTC đề ra, đều đạt được.

 

Theo Radio Vatican

 

Mục lục

 

 

 

Kỷ niệm 10 năm Mẹ Terexa Calcutta qua đời

 

Phỏng vấn chị Nirmala Joshi, Bề Trên Tổng Quyền dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái, về Mẹ Terexa Calcutta

 

Ngày mùng 5 tháng 9 vừa qua là kỷ niệm đúng 10 năm Mẹ Terexa Calcutta qua đời. Chiều hôm trước đó nhiều đại diện các tôn giáo khác nhau đã tham dự một cuộc tuần hành hòa bình đến mộ của Mẹ.


Tham dự cuộc tuần hành hòa bình dài 2 cây số có các đại diện của Ấn giáo, Hồi giáo, Kitô giáo và đạo Sikh. Khi đến trước mộ Mẹ Terexa mọi người đã được chị Nirmala Joshi, Bề trên tổng quyền dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái đón tiếp, và mọi người đã đọc kinh cầu hòa bình của thánh Phanxicô thành Assisi, là kinh Mẹ Terexa rất ưa thích. Một tham dự viên Ấn giáo kiêm giám đốc một tổ chức từ thiện nói rằng Mẹ Terexa đã rao giảng tình thương, lòng thương xót và hòa bình. Đó chính là những điều mà thế giới ngày nay đang cần đến.


Mẹ Terexa tên thật là Gonxha Agnes Bojaxhiu, sinh năm 1910 tại Skopje ngày nay là thủ đô Cộng Hòa Macedonia. Năm 1928 chị Gonxha Agnes vào dòng Trinh Nữ Maria hay đòng Đức Bà Loreto tại Dublin, và lấy tên là Terexa. Sau đó chị sang Ấn Độ làm việc. Năm 1948 chị được Đức Giáo Hoàng cho phép rời dòng Đức Bà Loreto, để lo cho người nghèo tại Calcutta. Chị nói về mình như sau: ”Tôi có dòng máu Albani, quốc tịch Ấn. Liên quan tới lòng tin tôi là nữ tu công giáo. Theo ơn gọi tôi thuộc thế giới, nhưng con tim tôi hoàn toàn thuộc Thánh Tâm Chúa Giêsu”.


Năm 1979 Mẹ Terexa Calcutta được giải Nobel Hòa Bình. Năm 1986 trong chuyến công du mục vụ Ấn Độ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã đến thăm nhà Nirmal Hriday, là nơi Mẹ Terexa và các nữ tu săn sóc những người hấp hối. Mẹ Terexa Calcutta qua đời ngày mùng 5 tháng 9 năm 1997 hưởng thọ 87 tuổi. Gần hai năm sau khi Mẹ qua đời, vì hương thơm thánh thiện của Mẹ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã cho phép mở án phong thánh cho Mẹ. Và ngày 19 tháng 10 năm 2003 ngài đã chủ sự thánh lễ phong chân phước cho Mẹ.


Mẹ Terexa đến Calcutta năm 1929 và dậy học trong trường của các nữ tu Đức Bà Loreto cho tới khi được phép ra khỏi dòng năm 1946. Sau đó chị được gợi hứng lo cho người nghèo, trẻ mồ côi, người phong cùi và tàn tật. Năm 1950 Mẹ thành lập dòng Nữ tu Thừa Sai Bắc Ái. Calcutta hiện có gần 15 triệu dân. Tuy cái chết của Mẹ đã để lại một sự trống vắng nơi những người đã quen biết Mẹ, nhưng sự hiện diện của Mẹ sống động hơn bao giờ hết. Gia tài Mẹ để lại có thể nhận ra dễ dàng nơi 19 nhà của dòng gồm: các nhà mồ côi, các trung tâm cho người hấp hối, các nhà cho phụ nữ mại dâm, các nhà săn sóc bệnh nhân liệt kháng, và các bệnh nhân tâm thần, cũng như trại phong cùi và một trường học cho trẻ em bụi đời. Các trung tâm này rộng mở tiếp đón mọi người không phân biệt tôn giáo, và các nữ tu săn sóc mọi người rất hữu hiệu, và tràn đầy tình thương mến. Nhà chính, nơi có mộ của Mẹ Terexa, hiện nay được dùng làm Tập Viện của dòng. Số nhà của các Nữ Tu Thừa Sai Bác ái trên thế giới đã gia tăng lên 750 nhà, rải rác tại 135 quốc gia và số các nữ tu là 5.000. Với các đổi thay của xã hội các chị cũng phải thích ứng với các kỹ thuật mới: thay vì lớp dậy đánh máy chữ như xưa kia, thì nay là lớp dậy sử dụng máy vi tính.


Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn chị Nirmala Joshi, người được bầu lên thay thế Mẹ Terexa Calcutta cai quản dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái. Chị Nirmala sinh năm 1934 tại Ranchi, nam Ấn trong một gia đình Ấn giáo. Sau khi theo Công Giáo năm lên 17 tuổi chị gia nhập dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Terexa Calcutta. Chị đã từng học khoa xã hội và luật. Sau khi Mẹ Terexa qua đời ngày mùng 5 tháng 9 năm 1997 chị được bầu lên thay thế Mẹ.


H: Thưa chị Nirmala, Mẹ Terexa Calcutta đã qua đời được 10 năm và đã được Đức Gioan Phaolo II phong chân phước ngày 19 tháng 10 năm 2003. Dòng các Nữ Tu Thừa Sai Bác ái có còn bước theo gương sống của Mẹ hay không?


Đ: Các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái tiếp tục bước theo Chúa Giêsu, trong tinh thần của Mẹ mình, là Chân phước Terexa Calcutta, dưới sự hướng dẫn của hiến Pháp Dòng, cũng như các bút tích và giáo huấn của Mẹ Terexa, các lời cầu và chứng tá của Mẹ. Các gương sáng và giáo huấn của Mẹ liên quan tới tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người, và lời Mẹ yêu cầu chúng tôi yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương chúng ta, là các giáo huấn vượt thời gian. Trong nghĩa đó Mẹ còn sống động hơn bao giờ hết.

H: Dòng cử hành kỷ niệm 10 năm Mẹ Terexa qua đời như thế nào thưa chị?


Đ: Chúng tôi cử hành bằng cách cầu nguyện. Lời cầu nguyện chiếm chỗ nhất, như Mẹ Terexa đã dậy chúng tôi. Tuy nhiên cũng có một vài lễ nghi được tổ chức quy tụ dân chúng thành phố Calcutta như: ngày sinh nhật của Mẹ 26 tháng 8, và ngày Mẹ về trời mùng 5 tháng 9, cũng như các lễ nghi khác được tổ chức ở hải ngoại. Riêng tại Nhà Mẹ có một cuộc rước kiệu lần hạt Mân Côi trên các con đường chung quanh, và một thánh lễ trong nhà nguyện của Dòng, do Đức Tổng Giám Mục Sirkar chủ sự, tiếp theo đó là buổi cầu nguyện cho hòa bình vớ sự tham dự của đại diện các tôn giáo bạn.


H: Thưa chị Nirmala, trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như thế giới hiện nay, đâu là các khía cạnh giáo huấn và thực hành của Mẹ Terexa đặc biệt có ý nghĩa đối với các nữ tu ngày nay?


Đ: Sự tin tưởng yêu thương nơi Thiên Chúa, hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa một cách tươi vui, trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, là một trong các khía cạnh có ý nghĩa nhất trong các giáo huấn và cung cách sống của Mẹ Terexa. Khi Mẹ khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương thế giới qua từng người trong chúng ta, thì Mẹ muốn nói rằng chúng ta tất cả được Thiên Chúa mời gọi trở thành dụng cụ hòa bình, yêu thương và niềm vui. Qua nhân tính của mình, chúng ta phải là cái xe tải tình yêu thương đến với các anh chị em nghèo túng nhất trong những người nghèo túng, nghèo túng trong lãnh vực vật chất cũng như tinh thần.


H: Một trong những sứ điệp của Mẹ Terexa đó là kinh nghiệm về tình yêu thương phát xuất từ kinh nghiệm của tha nhân, là một phần kinh nghiệm chúng ta có về Thiên Chúa. Đối với các nữ tu của Mẹ sống trong các môi trường địa lý xã hội văn hóa khác nhau, phải sống cân bằng các khía cạnh cụ thể trong sứ mệnh của các chị với các khía cạnh lý tưởng do Mẹ Terexa vạch ra, hẳn phải khó khăn lắm có đúng thế không thưa chị?


Đ: Chúa Giêsu đã nói: ”Mỗi khi các con làm điều đó cho một người bé mọn nhất trong các con, là các con làm cho chính Thầy. Một cách thức hết sức đơn sơ và cụ thể, điều này có nghĩa là ở bất cứ quốc gia nào hay nơi đâu, nơi chúng tôi sống, bất cứ điều gì chúng tôi làm cho các anh chị em nghèo đói, buồn sầu, bị hất hủi, bỏ rơi, bệnh tật, là chúng tôi làm cho chính Chúa Giêsu. Qua sự phục vụ khiêm tốn và yêu thương tha nhân, chúng tôi sống kinh nghiệm về Thiên Chúa và tình yêu thương của Ngài.


H: Tại Calcutta sự hiện diện của các nữ tu Thừa Sai Bác Ái là điều hiển nhiên và sâu đậm, cũng như Ngôi Nhà của Mẹ Terexa là trung tâm chân trời của nó. Nó có nguy cơ trở thành một hạn hẹp hay không?


Đ: Nhà Mẹ của Dòng ở Calcutta là nhà của tất cả các nữ tu thừa sai bác ái


toàn thế giới. Đó là ngôi nhà nơi Mẹ Terexa đã sống, đã làm việc, và từ đó Mẹ đã gửi các nữ tu thừa sai bác ái vào lòng thế giới; nó cũng là nơi Mẹ đã qua đời và được an táng. Calcutta là nơi Dòng đã nảy sinh, lớn lên và từ đó đã lan rộng ra và đâm nhánh trên thế giới. Nhưng đây tuyệt đối không phải là một hạn hẹp. Trái lại, đối với chúng tôi, nó diễn tả một yếu tố hiệp nhất. Nó giúp chúng tôi hiệp nhất với nhau và hiểu biết một cách rõ ràng hơn quan điểm và tinh thần của Mẹ Terexa. Mẹ đã yêu cầu chúng tôi đối phó với giây phút hiện tại ở bất cứ nơi đâu chúng tôi sống.


H: Như thế đâu là tương quan giữa thành phố Calcutta, Mẹ Terexa và các nữ tu?


Đ: Thành phố Calcutta còn chứng tỏ tình yêu thương và lòng qúy trọng đối với Mẹ Terexa và các nữ tu Thừa Sai Bác ái. Nó cũng bầy tỏ sự qúy trọng và yểm trợ đối với các hoạt động yêu thương đối với các người nghèo nhất trong số các người nghèo.


(Avvenire 1-9-2007)

Linh Tiến Khải

Theo Radio Vatican

 

Mục lục

 

 

 

ĐCV Thánh Giuse Hà Nội khai giảng niên học mới


HÀ NỘI -- Ngày 3.9.2007 toàn thể 192 chủng sinh thuộc 4 lớp: Tu Đức, Triết I, Triết II và Thần III (không tính 77 chủng sinh lớp Thần I đang tập vụ tại các giáo xứ) đã tựu trường tại hai cơ sở 40 Nhà Chung và Nhà Lang Vang Cổ Nhuế thuộc Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.


Sau những ngày ổn định nơi ăn ở, học tập và tĩnh tâm sốt sắng, sáng ngày 10.9.2007, lễ khai giảng năm học mới niên khóa 2007-2008 đã chính thức diễn ra tại Nhà Hội Đại chủng viện Hà Nội. Cả thày và trò ai ai cũng mừng rỡ hân hoan tham sự buổi lễ. Chủ đề của năm học mới được lấy từ câu Kinh Thánh trong thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô: Đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (Ep 4,13).


Hôm nay, đợt không khí lạnh từ phương bắc tràn về làm cho bầu trời Hà Nội trở nên ảm đạm, rắc xuống những hạt mưa lạnh khắp nơi. Giữa cái bầu khí ảm đạm, lạnh ướt ấy thì tại Đại chủng viện Hà Nội lại nổi bật lên một bầu khí ấm áp, tươi vui của ngày khai giảng năm học mới. Đúng 8g30, bằng bài hát "tình gia đình" với những ca từ ý nghĩa và nét nhạc vui tươi, phấn khởi cùng những tràng pháo tay giòn giã, toàn thể anh em chủng sinh vui mừng chào đón Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha giáo phận Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên, Đức cha phụ tá giáo phận Bùi Chu Phêrô Nguyễn Văn Đệ, cha Giám đốc Đại chủng viện Laurenxô Chu Văn Minh, cùng 18 quý Cha trong Ban Giám đốc, Ban Giáo sư Đại chủng viện tới dự lễ khai giảng. Sự hiện diện đông đảo của quí Đức cha và quí cha đã cho thấy sự quan tâm của các Ngài và tầm quan trọng của việc đào tạo chủng sinh.


Cha Giám đốc Laurenxô đã long trọng tuyên bố khai mạc buổi lễ. Cha nhấn mạnh: Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với Đại chủng viện Hà Nội: ngày khai giảng năm học mới. Chúng ta hân hoan tiến vào năm học mới với quyết tâm học tập, tu luyện toàn diện bốn chiều kích: nhân bản, tri thức, tu đức và mục vụ. Nhờ được đào tạo và tự đào tạo, các chủng sinh sẽ được biến đổi ngày càng trở nên giống Chúa Kitô. Cha dâng năm học cho Chúa và xin Ngài chúc lành cho Đại chủng viện.


Tiếp theo, trong huấn từ khai giảng năm học mới, Đức Tổng Giám mục Giuse đã nêu bật những niềm hi vọng của năm học mới từ mọi phía chủng sinh, cha giáo, giáo dân và Hội thánh. Niềm hi vọng thôi thúc rèn luyện bản thân để niềm hi vọng trở thành hiện thực trong cuộc sống. Và niềm hi vọng lớn nhất là cả thầy lẫn trò đều đạt đến tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô như chủ đề năm học.


Sau bài huấn từ của Đức Tổng là bài phát biểu của thày Trưởng tràng Phêrô Nguyễn Văn Hiệu, đại diện cho toàn thể anh em chủng sinh. Thày đã nói lên niềm vui trước sự hiện diện đầy yêu thương của quí Đức cha và cha giáo trong lễ khai giảng năm học mới. Theo thày thì chủng sinh như những em bé đang chập chững bước những bước đầu tiên trên con đường theo Chúa, và quí Đức cha cùng cha giáo thực sự như những cha mẹ đang ân cần thương yêu dìu dắt đỡ nâng cho bé tiến bước. Thày cũng ghi nhận công ơn và bày tỏ lòng biết ơn quí Đức cha và cha giáo đã dành hết sức lực, tâm huyết để lo cho chủng sinh. Thày hứa chủng sinh sẽ sống tự trọng với bản thân, tôn trọng anh em, kính trọng bề trên và coi Chúa Giêsu là người thày quan trọng nhất.


Xen kẽ các bài phát biểu là những tiết mục văn nghệ vui tươi, ý nghĩa của anh em chủng sinh các lớp. Phần cuối buổi lễ khai giảng là bài thuyết trình của cha giáo sư với chủ đề: Chúa Giêsu- Người Mục Tử Nhân Lành.

 

Kết thúc buổi lễ toàn thể anh em chủng sinh cùng ca vang bài ca "năm học mới": Vào năm học mới chúng con sum họp về đây. Vào năm học mới dâng Chúa trọn năm học này …


Sau lễ khai giảng là Thánh lễ cầu cho năm học mới tại Nhà Nguyện Đại chủng viện do Đức Tổng Giám mục Giuse chủ sự. Đặc biệt trong Thánh lễ có nghi thức tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành của quí cha trong Ban Giám đốc và Ban Giáo sư. Sau Thánh lễ, quí Đức cha, quí cha giáo và anh em chủng sinh chụp hình lưu niệm tại sân Đại chủng viện.


Buổi trưa có tiệc mừng và ban chiều có các cuộc thi đấu giao lưu một số môn thể thao giữa các lớp càng

làm tăng thêm niềm vui và sự liên đới giữa các chủng sinh.


Suốt ngày hôm nay, trời không nắng và vẫn lác đác những hạt mưa lạnh, nhưng lòng mỗi chủng sinh vẫn cứ rạo rực những niềm vui. Bởi lẽ tôn giáo nhiều khi không thể thay đổi hoàn cảnh bên ngoài, nhưng lại có khả năng thay đổi ý nghĩa của hoàn cảnh. Với một tâm hồn thiết tha dâng hiến, chủng sinh đã thấy những hạt mưa hôm nay là những hạt mưa ân sủng từ trời cao chứ không phải là những hạt mưa buồn lạnh giá. Như vậy, tại sao lại không dám hi vọng mỗi chủng sinh sẽ là những mặt trời bé con mang ánh sáng, hơi ấm của tin yêu đến cho những người xung quanh, nhất là những khi cuộc đời họ thiếu vắng ánh nắng của tình thương.

 

 

Nguyễn Xuân Trường

 

HỌC VỚI CHÚA KITÔ


Bài huấn từ của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt trong lễ khai giảng năm học mới tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội ngày 10/9/2007 với đề tài "Học với Chúa Kitô":


1- Niềm hi vọng khởi đầu năm học mới


Mỗi lần khai giảng là mỗi lần hi vọng. Các chủng sinh hi vọng học được nhiều điều mới lạ. Các cha giáo hi vọng các chủng sinh sẽ tiến bộ nhiều. Giáo dân hi vọng sẽ có nhiều linh mục tài đức chăm sóc phần linh hồn. Hội Thánh hi vọng có những bước phát triển mới vì có thêm nhiều Tông đồ trên cánh đồng truyền giáo.


Hi vọng làm cho đời sống tươi đẹp. Hi vọng làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Hi vọng làm cho con người có sức sống. Vì thế lễ khai giảng luôn là lễ của niềm vui tươi, phấn khởi.


2- Niềm hi vọng thôi thúc rèn luyện bản thân


Tuy nhiên hi vọng không có nghĩa là ngồi khoanh tay chờ đợi. Hi vọng là bắt tay làm việc. Trong việc đào tạo, tự đào tạo là rất quan trọng. Theo kinh nghiệm sự phấn đấu của bản thân người được đào tạo góp một phần lớn vào thành công của việc đào tạo. Edison đã cho biết trong sáng tạo chỉ có một phần nhỏ do thiên tài, còn lại phần lớn là kiên trì lao động.


Điều này thật hiển nhiên vì học tập là phát triển chính bản thân. Bản thân mỗi người ẩn chứa một kho tàng, cần phải khám phá. Trong mỗi người có sẵn nguồn nội lực cần được khai thông. Mỗi người là một viên ngọc cần được mài giũa để xuất hiện thành khối ngọc tinh tuyền, sáng đẹp.

 

Điều này càng rõ ràng trong việc rèn luyện tu đức. Tu đức là việc mỗi người phải tự thực hành. Không ai có thể làm thay ta được. Dù có những bài học khiêm nhường rất hay, nhưng không đem ra thực hành thì cũng vô ích. Dù cha giáo có những giáo trình rất sâu xa về đức mến, nhưng chủng sinh không thực hành thì sẽ chẳng bao giờ có lòng yêu mến. Được gửi đi trại phong, nhưng nếu chủng sinh không rèn luyện tình yêu mến và phục vụ người nghèo thì sẽ chẳng ích lợi gì.


3- Niềm hi vọng đạt tới Chúa Kitô


Việc học trong chủng viện không nhằm đào tạo các học giả. Cũng không phải để đạt được chức linh mục. Việc đào tạo trong chủng viện phải nhằm đạt tới Chúa Kitô. Chủng sinh phải phát triển toàn diện như Chúa Kitô. Chủng sinh phải phát triển đến tầm vóc viên mãn theo gương Chúa Kitô.


Vì thế, tất cả chúng ta, thầy và trò, hãy bước vào năm học mới với Chúa Kitô. Tất cả chúng ta, thầy cũng như trò, hãy học biết Chúa Kitô. Tất cả chúng ta, thầy và trò, hãy khám phá Chúa Kitô. Tất cả chúng ta, thầy và trò, hãy đạt đến tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô.



Xin cầu chúc Đại chủng viện Hà nội một năm học mới 2007-2008 tràn đầy ơn phúc và kết quả thiêng liêng.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

THÁNH LỄ MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU SƠN HIỆN DIỆN TẠI GP. ĐÀ LẠT

 

Chín giờ sáng ngày 8 tháng 9 nhằm ngày lễ sinh nhật Đức  Maria, tại Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương- Lâm  Đồng tổ chức thánh lễ mừng 50 năm ĐanViện hiện  diện  tại giáo phận Đà Lạt và mừng Kim khánh linh mục cha  nguyên viện phụ Stephano Trần Ngọc Hoàng và đan sĩ linh  mục  Placido Hoàng Trung . Cách Saigon khoảng 300 cây số, Đan Viện tọa lạc dưới  một thung lũng thuộc tỉnh Lâm Đồng, thuộc cao nguyên  Lang  Biang phía nam dãy Trường Sơn, ở độ cao trung bình 1050m  nên Đan Viện có khí hậu quanh năm mát lạnh, giao biệt  từ  10 đến 25 độ C. Đến tham dự thánh lễ có đông đảo quý khách từ khắp  nơi, quý tu sĩ, linh mục trong và ngoài giáo phận Đà  Lạt. Khoảng 8g 30 trong nhà nguyện của Đan Viện các ghế ngồi  đã chật cứng mặc dầu đã xếp thêm nhiều ghế. Mở đầu thánh lễ, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn mời  gọi mọi người chiêm ngắm Đức Maria trong ngày kỷ  niệm  sinh nhật của Mẹ. Với 50 năm hiện diện ở phần đất  này không có niềm vui hay nỗi buồn của Giáo phận mà  Đan viện không chia sẻ và ngược lại không có niềm vui và  nỗi buồn nào của Đan viện mà Giáo phận không đỡ  nâng.  Các đan sĩ đã cầu nguyện và thánh hóa đời sống bằng  công việc. Hôm nay chúng ta mừng kim khánh đan sĩ Placido  là  người đầu tiên đặt chân đến phần đất này cũng  như cha Stephano Trần Ngọc Hoàng viện phụ đầu tiên của  đan viện và là nguyên viện phụ dưới 4 thời của các  viện phụ Lêô Vũ Đức Chính, viện phụ Giêrađô Nguyễn  Văn  Thất, viện phụ Phanxicô Phan Bảo Luyện và đương kim  viện phụ Ephrem Trịnh Văn Đức.

Trong bài giảng, Đức cha Phêrô đã sơ lược một chút  về lịch sử và hành trình phát triển của Đan viện từ  ngày cha Placido đặt chân trên mảnh đất Đơn Dương này.  Với tâm tình của một vị chủ chăn, Đức Cha giảng  không  cần giấy mà vẫn nói say sưa về lịch sử của đan  viện:

 Biến cố 1975 và nhiều biến cố khác đã làm cho đan  viện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt mùa hè năm 1976  viện  phụ, giáo sư, quản lý, và thậm chí cả thầy coi nhà  khách  cũng không còn, đan viện trơ trụi. Nhưng và đây là bài  học quý giá, là điểm tựa cho đan viện bước đi. Đức  Cha đã chia sẻ như Ngài là người trong cuộc, như người  cùng với các đan sĩ trải qua những biến cố thăng trầm  của đan viện. Quả là một mục tử biết rõ từng con  chiên của mình trong ràn chiên đông đảo. Ngài chia sẻ tiếp: mỗi lần có khách ghé thăm TGM, người  ta hỏi tôi đâu là những thắng cảnh đẹp của Đà Lạt  nên tham quan? Tôi trả lời: Các điểm du lịch quý vị có  thể biết qua tài liệu, qua kinh nghiệm của nhiều  người. Tôi chỉ xin giới thiệu hai chỗ. Muốn thấy   được sức  sống trong Giáo hội như thế nào xin mời ghé thăm trại  cùi Di Linh. Muốn có một tâm hồn bình an, thanh thản xin  hãy đến Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn. Người viết  chợt  liên tưởng hai nơi này như hình ảnh của hai lá phổi  trong  cơ thể con người. Châu Sơn- Di Linh hai lá phổi thiêng  liêng của Đà Lạt.

Thánh lễ không cầu kỳ, nhưng rất trang trọng trong ngôi  nguyện đường ấm cúng. Nguyên viện phụ Stephano và đan  sĩ Placido trong ngày mừng Kim Khánh lẳng lặng ngồi đồng  tế cùng linh mục đoàn. Một người trên ghế, một  người  trên xe lăn. 50 năm linh mục, một quãng thời gian dài  nhưng  vẫn trung tín, phó thác và tận tụy trong giờ phụng tự.

 Các ngài ngồi đó và hiệp thông với cộng đoàn, với  giáo hội. Các ngài ngồi đó như những chứng từ sống  động cho lòng trung tín, cho một ơn gọi hồng ân, cho  sức  sống của đan viện, sức sống của Giáo hội vẫn còn  mãi  xanh tươi và tràn đầy hy vọng. Cuối thánh lễ, nguyên viện phụ Stephano nói lên lời cảm  ơn đến Đức Cha, quý cha, quý dì phước, quý khách và  mọi người đã đến đan viện dâng lễ tạ ơn và chúc  mừng 50 năm đan viện hiện diện tại Gp. Đà Lạt cũng  như  mừng Kim Khánh. Với giọng nói thều thào nhưng vẫn còn  rõ  ràng với tất cả hơi sức của mình, Ngài xin mọi  người  tiếp tục cầu nguyện cho Ngài để Chúa ban cho còn sống  ngày nào và ngày nào còn hơi thở trong thể xác này xin  góp hết công sức sống đẹp lòng Chúa.  Cuối cùng Đức Cha Phêrô thay lời cho Gp. Đà Lạt cảm ơn  Đan Viện bằng những lời lẽ thật chân tình. Ngài nói:  Gp. Đà Lạt may mắn có Đan viện Châu Sơn hiện diện nơi  đây. Từ nơi này phát xuất ra những lời cầu nguyện và  hy sinh dâng lên Thiên Chúa. Viện phụ, các cha và các đan  sĩ cam kết luôn luôn đồng hành với Giáo phận điều  này  thể hiện qua vô vàn hồng ân mà Giáo phận nhận được.  Đan viện không ngớt bằng những cử chỉ để nói lên  tương quan yêu thương đó, lúc thì con cá, ký đường khi  thì  chút thịt hay bình sữa. Tôi không nhìn vào đó vì không  dùng đến bao nhiêu song đó là tất cả tình thương và  sự  liên đới mà Đan viện dành cho Giáo phận. Tôi cũng xin  cam kết liên đới, chia sẻ của Gp. Đà Lạt đối với  Đan  viện. Tôi tin rằng cam kết này là cam kết thánh thiện,  đạo đức và xuất phát từ lòng yêu thương tha nhân nên  chắc chắn cam kết này sẽ mãi tiếp tục và tồn tại.

Được biết một ngày với 24 giờ, các đan sĩ chia làm 3  phần bằng nhau, 8 giờ cử hành phụng tự, 8 giờ lao  động  và 8 giờ sinh hoạt ngủ nghỉ, tất cả hòa quyện với  nhau một cách nhuần nhuyễn giúp cho đời sống nội tâm  thăng tiến và dễ dàng tìm gặp Thiên Chúa. Đan viện với tất cả sự cần và ưu ái khi đón tiếp  khách cũng là đón tiếp Đức Kitô cộng với một phong  cảnh tĩnh lặng và được thiên nhiên ưu đãi với khí  hậu  mát mẻ đã là nơi đón tiếp rất nhiều hội dòng tìm  đến Tĩnh Tâm năm. Đan viện cũng tạo mọi điều kiện  thích  hợp để khách tĩnh tâm có thể dễ dàng đến với Chúa. 50 năm hồng ân, với biết bao thăng trầm của cuộc sống,  đan viện vẫn tồn tại và phát triển. Ước mong với  mục đích hoàn thiện đời sống thiêng liêng qua con  đường  chiêm niệm và hy sinh cũng như mục đích cầu nguyện và  hy  sinh cho ơn cứu độ lương dân, Đan viện Thánh Mẫu Châu  Sơn mãi mãi xứng đáng như là một trong hai lá phổi  thiêng liêng của Gp.Đà Lạt.

Sr. Minh Nguyên

Mục lục

 

ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG LÂM ĐỒNG

 

Nhân kỷ niệm 50 năm hiện diện tại Giáo Phận Đàlạt, ngày 8-9-2007

(1957-2007)

 

Đan Phụ Viện Thánh Mẫu Châu Sơn tại Đơn Dương Lâm Đồng là một Dòng tu chiêm niệm theo truyền thống Xitô, trực thuộc Tòa Thánh Rôma. Dòng Châu Sơn Đơn Dương phát xuất từ Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan Ninh Bình và là thành viên của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.

I. NGUỒN GỐC VÀ MỤC ĐÍCH CỦA DÒNG.

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam bắt đầu nhen nhúm từ tâm nguyện của linh mục thừa sai  Henri Denis (1880-1933) : “muốn làm thày dòng và giúp đào luyện cho có thày dòng Việt Nam”. Năm 1912 đang khi làm cha xứ họ đạo Nước Mặn (Thừa Lưu), ngài viết thư trình Đức Cha E. G. Allys Lý, Giám mục giáo phận Huế : “…Lý tưởng mà con mơ ước là được làm tu sĩ tông đồ tại An Nam, nơi đó Thiên Chúa cần được một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự (cách triệt để hơn). Họ có nhiệm vụ làm cho mọi kitô hữu nhận thức rằng lý tưởng đan tu không phải là một ‘chuyện đời xưa’ nhưng nó còn hiện thực và hiện thực hôm nay cũng như đời xưa”.

Trong cuộc sống thường ngày tại họ đạo Nước Mặn và sau đó tại chủng viện An Ninh, ngài ra sức tập làm thầy đòng và chuẩn bị cho công cuộc vĩ đại : sáng lập Dòng Nam chiêm niệm trên đất nước Việt Nam.

Ngày 15.08.1918, Nhà Dòng Đức Bà Việt Nam được khai sinh tại Phước Sơn, Quảng Trị, trong giáo phận Huế. Trong sắc chỉ thành lập Dòng, Đức Cha E. G. Allys Lý xác định : Mục đích chính của tu sĩ dòng này là nên hoàn thiện trong đời sống thiêng liêng qua con đường chiêm niệm và hy sinh. Mục đích thứ hai là cầu nguyện và hy sinh cho ơn cứu độ lương dân”.

Từ một dòng thuộc quyền giáo phận, năm 1935, toàn thể tu sĩ Phước Sơn khấn trọng thể gia nhập Dòng Xitô thuộc quyền Toà Thánh. Từ con số hai vào buổi sơ khai, đến lúc này cộng đoàn Phước Sơn đã lên đến bảy mươi tu sĩ. Như một cây đủ tầm vóc, Dòng Đức Bà Vlệt Nam bắt đầu đâm chồi nẩy lộc um tùm kỳ diệu.

Đúng lúc đó, Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng tha thiết ao ước có một Dòng Nam chiêm niệm trong giáo phận Phát Diệm mà ngài vừa đảm trách “để nên như cây thu lôi thiêng liêng, cùng với Nhà Dòng Kín, bênh đỡ giáo phận bằng lời cầu nguyện và hãm mình”. Ngài mời gọi và thu xếp để ngày 08.09.1936, Dòng Phước Sơn khai sinh nhà con tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình : đó là Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan, hay Dòng khổ tu Châu Sơn như quần chúng thường quen gọi.

Từ một cộng đoàn non trẻ, Dòng Châu Sơn không ngừng củng cố, phát triển và lớn mạnh. Đời sống chuyên cần cầu nguyện, sự vui vẻ hy sinh và tính cần cù lao động của các tu sĩ đã khiến Nhà Dòng nhanh chóng trở thành “tiếng kêu” vang lên từ nơi sơn lâm chướng khí. Khắp giáo phận Phát Diệm và các giáo phận miền Bắc đều nghe biết về Dòng Châu Sơn. Rất nhiều người gồm linh mục, thày giảng, chủng sinh, giáo dân từ khắp nơi tìm đến đan viện cầu nguyện, tĩnh tâm và tìm hiểu ơn gọi chiêm niệm. Hầu như tuần nào cũng có người xin gia nhập cộng đoàn. Rất nhiều người đã nhờ lời cầu nguyện và sự trợ giúp tận tình của Nhà Dòng mà được ơn lạ. Dân chúng kéo đến làm ăn sinh sống chung quanh đan viện ngày một đông. Từ đó hình thành nhiều họ đạo thuộc quyền đan viện.

Cộng đoàn nghĩ đến việc thành lập nhà mới. Cha phó Bề Trên Jean Berchmans Nguyễn Văn Thảo và cha già Eugêniô Nguyễn Văn Trang được cử đi tìm đất lập dòng. Hai cha lần lượt tham quan các nơi thuộc tỉnh Cao bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh… Tiếc thay thời cuộc đã không thuận lợi ! Tuy nhiên điều đó lại không ngoài chương trình quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn làm nhiều việc kỳ lạ !

Quả nhiên năm 1953, hoàn cảnh lịch sử tạo điều kiện thuận lợi cho các tu sĩ thực hiện ý định trên. Một số tu sĩ vào Nam thành lập cộng đoàn Châu Sơn Nam, tạm thời cư trú tại họ đạo Phước Lý (Thành Tuy Hạ, Biên Hòa). Tháng 06.1957, cộng đoàn Châu Sơn Nam di chuyển đến ‘miền đất hứa’ : đồn điền Canhkina ở huyện Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức (nay là Lâm Đồng) trong giáo phận Sàigòn. Đồn điền toạ lạc trên một ngọn đồi thuộc cao nguyên Lang Biang, ở độ cao trung bình l050 mét. Khí hậu tinh khiết. Đất đai mầu mỡ. Núi rừng hùng vĩ trùng điệp, bạt ngàn bóng thông. Cảnh quan tuyệt mỹ, yên bình tĩnh mịch, rất phù hợp vớl lý tưởng đan tu. Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn được thành lập tại Đơn Dương. Bề Trên các cấp và Toà Thánh phê chuẩn việc thành lập này.

II. TỪ CỘNG ĐOÀN CHÂU SƠN NAM

ĐẾN ĐAN PHỤ VIỆN CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG.

Bước đầu các tu sĩ  không tránh khỏi nhiều khó kbăn thử thách, từ vật chất đến tinh thần. Cộng đoàn phải gánh chịu ít nhiều mất mát, không phải do hung thần sốt rét như những năm 1936-1938 ở đồn điền Lacombe Nho Quan, mà vì những biến động do hoàn cảnh di cư. Tuy nhiên với căn tính đan tu sẵn có, các đan sĩ ra sức thiết lập ngôi trường phụng sự Thiên Chúa theo tu luật Biển Đức, tu trào Xitô và tinh thần của Đấng Sáng lập, cha Henri Denis Biển Đức Thuận. Cộng đoàn chọn khẩu hiệu “UT UNUM SINT”, quyết một lòng đoàn kết gắn bó phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh trong “cầu nguyện và lao động” nơi miền đất mới.

Đêm đêm vào lúc 2 giờ khi núi rừng còn đang yên giấc, các tu sĩ đã chỗi dậy dâng lời ca ngợi tạ ơn Thiên Chúa. Và “mỗi ngày 7 lần” các tu sĩ liên tục cầu nguyện thay cho Hội Thánh. Bởi các tu sĩ “không lấy gì làm hơn thần vụ” (Tl. c. 43), nên các giờ kinh ở ca toà được kéo dài bằng việc lao động trong thinh lặng ngoài ruộng vườn, ở xưởng thợ, nơi học tập.

Tháng 08.1959, Đức Tổng phụ Dòng Xitô Dom Sighard Kleiner, đặc cử linh mục đan sĩ Gilbert Barnabé (Cố Bá 1904-1975) từ Phước Sơn đến Đơn Dương tạm quyền Bề Trên cộng đoàn Châu Sơn. Ngài có công ổn định và nâng cao đời sống đan tu trong hoàn cảnh mới, góp phần tô điểm Giáo Hội Việt Nam đang thời hưng thịnh. Sau 300 năm đón nhận Tin Mừng, Giáo Hội Việt Nam vinh dự có 3 Tổng Giáo phận Hà Nội, Huế, Sàigòn, theo Tông hiến “Chư huynh đáng kính” do Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban hành ngày 24.ll.1960. Tiếp đến ngày 27.ll.1960, Giáo phận Đàlạt được thành lập. Từ nay, Đan viện Châu Sơn Đơn Dương thuộc Giáo phận Đàlạt, Tổng giáo phận Sàigòn.

Nhiều Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân lần lượt tìm “đến và xem” (Ga l,39). Không ít người ở lại gia nhập cộng đoàn. Số tân linh mục và khấn sinh ngày một tăng thêm. Cộng đoàn vững bước phát triển và cất cánh bay cao. Ngày 27.07.1961, cộng đoàn hân hạnh được Thánh Bộ Dòng Tu ban sắc thiết lập Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương thành “Đan viện tự trị” (Monasterium in prioratum sui iuris). Và cha Đan Viện Trưởng tiên khởi là linh mục đan sĩ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng đắc cử vào ngày 12.l0.1962. Cha Đan Viện Trưởng có cái nhìn thấu suốt, trực giác cao và am hiểu thực tế. Cha dựa vào anh em và cùng với anh em khẩn trương đưa cộng đoàn phát triển về mọi mặt.

Trước những thành tựu đáng khích lệ của cộng đoàn Châu Sơn tại Đơn Dương, Đại Hội toàn Dòng Xitô năm 1963 nhất trí nâng Đan viện tự trị Châu Sơn cùng với hai Đan viện Phước Sơn và Phước Lý lên hàng “Đan Phụ viện” (Abbatia). Thánh Bộ Dòng Tu châu phê quyết định này qua văn thư ngày 13.11.1963.

Đầu tháng 03.1964. Đức Tổng Phụ Dòng Xitô từ Rôma sang Việt Nam đến Đơn Dương chủ tọa buổi họp công nghị bầu chọn Viện Phụ tiên khởi. Các đan sĩ nhanh chóng dồn phiếu tín nhiệm cha Đan Viện Trưởng Stêphanô. Đức Viện Phụ tiên khởi Stêphanô Trần Ngọc Hoàng chọn khẩu hiệu : “Amator Regulae et Fratrum” (Yêu Thánh luật và Yêu anh em), tiếp tục sứ mệnh “Abba” của mình nơi cộng đoàn đan tu Châu Sơn.

Để đánh dấu bước trưởng thành của Dòng Xitô giữa lòng Giáo Hội Việt Nam, đồng thời để động viên khích lệ ơn gọi sống đời chiêm niệm, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đề nghị tiến hành nghi lễ chúc phong ba Viện Phụ tiên khởi của Dòng tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn. Buổi lễ chúc phong được long trọng cử hành vào ngày lễ Thánh Cả Giuse 19.03.1964 do Đức Sighard Kleiner chủ sự. Hầu hết các Giám mục đều có mặt. Đại diện Chính quyền các cấp, Bề Trên các Dòng tu, linh mục, nam nữ tu sĩ và rất đông đồng bào lương giáo hoan hỷ tham dự.

Tại Rôma, Toà Thánh không ngừng quan tâm theo dõi từng bước phát triển của Dòng Xitô tại Việt Nam. Ngày 06.l0.1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban sắc thành lập “Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam” gồm các Đan phụ viện Phước Sơn, Châu Sơn, Phước Lý, Đan viện Châu Sơn (Nho Quan) và các Đan viện khác trong tương lai sát nhập vào Hội Dòng hoặc do những Đan viện trên thành lập. Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam trở thành Hội Dòng thứ 12 trong Dòng Xitô.

Đây cũng là thời điểm Công đồng Vatican II chắp cánh cho cộng đoàn Châu Sơn Đơn Dương bay cao bay xa trên đường tìm Chúa. Các văn kiện của Công đồng khẳng định vị trí cao quý của các tu sĩ giữa lòng Giáo Hội và đưa ra những đường hướng cụ thể thích hợp. Các linh mục tu sĩ cần mẫn nghiên cứu học hỏi và ứng dụng vào đời sống. Tữ năm 1968, Tiểu ban phụng vụ được hình thành. Ngày 08.09.1969, vào dịp Sinh Nhật Đức Mẹ, cộng đoàn bắt đầu thực hiện chương trình Việt hoá phụng vụ, canh tân các giờ kinh thần vụ. Thánh lễ đồng tế được cử hành hằng ngày, như “như dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái”. Tất cả mọi thành viên trong cộng đoàn cùng hiệp thông, cùng nghĩa vụ và quyền lợi như nhau. Không còn phân biệt Dòng I, Dòng II.

Đức viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng cống hiến tài đức và công sức cho cộng đoàn suốt nhlệm kỳ 10 năm (1964-1974). Mặc dù công nghị đan sĩ tiếp tục tín nhiệm, nhưng ngài một mực từ chối quyền tái cử. Ngày 19.03.1974, cha Đan viện phó kiêm Tập sư Liên An Vũ Đức Chính đắc cử Viện Phụ thứ hai của Đan phụ viện Châu Sơn. Đức Tân Viện Phụ chọn khẩu hiệu “Caritas et Pax” (Yêu mến và Bình an). Nhiệm kỳ của Viện Phụ Liên An phải đương đầu với không ít gian nan thử thách nặng nề do biến cố Mùa Xuân 1975 và biến cố Mùa hè 1976. Đức Viện Phụ Liên An được mời đi học tập từ tháng 07.1976 đến tháng 09.1980. Hậu quả là ngài yếu bệnh và bại liệt bán thân. Đức nguyên Viện Phụ Stêphanô tạm đảm trách giải quyết mọi việc. Về sau vì hoàn cảnh bắt buộc và vì sự tín nhiệm của cộng đoàn, ngài chấp nhận lãnh đạo đan viện thêm một thời gian nữa (từ 19.03.1989).

Đất nước bước sang thời kỳ đổi mới. Nhiều ơn gọi mới tìm đến đan viện. Nhiều vấn đề mới xuất hiện. Mặc dù sức khoẻ kém, nhưng Đức Viện Phụ Stêphanô vẫn hết sức lèo lái con thuyền Châu Sơn cho đến tuổi nghỉ hưu đúng theo Hiến pháp quy định. Và ngày 06.02.1994, cha Đan viện phó kiêm Tập sư Giêrađô Nguyễn Văn Thất đắc cử Viện Phụ thứ ba của Đan viện Châu Sơn Đơn Dương. Đức Tân Viện Phụ Giêrađo chọn khẩu hiệu : “Ut omnes unum sint in veritate per caritatem” (Xin cho tất cả nên một trong chân lý và tình thương). Với những năng lực dồi dào và tinh thần đan tu sâu sắc. Đức Viện Phụ Giêrađô cùng tập thể Châu Sơn trẻ trung năng động, đoàn kết nhất trí phát huy các nguồn lực còn tiềm ẩn và tiếp tục phát triển bền vững. Chắc chắn Đan phụ viện Châu Sơn Đơn Dương sẽ vượt qua những rào cản, vật cản để thăng tiến và tỏa sáng, sáng mãi.

III. 50 NĂM ĐAN VIỆN CHÂU SƠN

Cha tân viện phụ đặc biệt quan tâm đến việc huấn luyện đan tu cho anh em trẻ. Căn cứ theo huấn thị của thánh bộ tu sĩ về việc huấn luyện trong các Hội dòng số 61 : “cần phải huấn luyện các tu sĩ ngang tầm mức mong chờ và đòi hỏi của thế giới ngày nay”, từ năm 1994, cha viện phụ Giêrađô đã gửi anh em trẻ xuống trụ sở ở 81A Trần Bình Trọng để theo học các lớp triết học và thần học. Hơn nữa, đến năm 1997 ngài còn gửi 2 anh em đan sĩ  đi du học ở Pháp.

Tuy nhiên, công tác được lưu ý hơn cả là việc huấn luyện các anh em đang sống trong Đan Viện. Chương trình đào tạo không chỉ nhằm về mặt kiến thức nhưng là toàn diện con người. Vì thế, cha viện phụ đã tổ chức dạy đầy đủ các môn về nhân bản, tu đức đan tu cho các lớp tập sinh theo giáo luật và Hội Dòng qui định. Cha viện phụ còn lưu ý đến việc thường huấn cho các đan sĩ nữa qua việc cho anh em tham dự các tuần tĩnh huấn của Hội Dòng và ngài cũng thường xuyên mời các chuyên viên đến bồi dưỡng kiến thức cho anh em theo từng khóa huấn luyện.

Ngày 22-5-2000 cha viện phụ Giêrađô mãn nhiệm khi vừa tròn 70 tuổi theo hiến pháp của Hội Dòng, sau 6 năm tận tụy phục vụ Cộng Đoàn.

Ngày 15-6-2000 cha Phanxicô Phan Bảo Luyện được Cộng Đoàn bầu làm viện phụ. Cùng với dòng thời gian, Cộng Đoàn Châu Sơn không ngừng thăng tiến trong ơn gọi sống đời đan tu chiêm niệm của mình. Đan Viện trở thành địa điểm lý tưởng cho các cuộc tĩnh tâm, cá nhân cũng như tập thể. Cha viện phụ và Cộng Đoàn Châu Sơn hằng ao ước Đan Viện trở thành một môi truờng thuận tiện cho mọi tâm hồn khao khát tìm gặp Chúa. Vì thế, Cha tân viện phụ đã cho xây dựng một khu nhà khách tĩnh tâm với 40 phòng cá nhân được trang bị đầy đủ tiện nghi.

Tuy nhiên, một trong các thao thức chính của viện phụ Phanxicô là làm sao có thể huấn luyện anh em đan sĩ trẻ trong nội vi Đan Viện, không để anh em phải xuống Sài Gòn học triết học và thần học trong môi truờng không thuận lợi cho đời sống đan tu. Vì thế vào ngày 4-8-2003 viện phụ Phanxicô đã chính thức thành lập học viện Châu Sơn để đào tạo anh em về triết học, và thần học. Tháng 8-2006 một khu nhà dành riêng cho anh em học viện bao gồm 70 phòng ngủ, được khánh thành.

Sau 7 năm phục vụ Cộng Đoàn ngày 9-3-2007, cha viện phụ Phanxicô mãn nhiệm khi vừa tròn 70 tuổi theo hiến pháp của Hội Dòng. Ngày 25-3-2007, cha Ephrem Trịnh Văn Đức được Cộng Đoàn bầu làm viện phụ.

Một giai đoạn mới của đan viện lại bắt đầu.

 

Mục lục

 

THÁNH LỄ TẠ ƠN LÀM PHÉP NHÀ THỜ CÁI CÁ, GIÁO PHẬN VĨNH LONG


Hướng về miền đất thật xa của Giáo Phận Vĩnh Long, thuộc tỉnh Bến Tre, đó là Họ đạo Cái Cá. Nghe đến tên của vùng đất, mọi người có cảm giác đây là vùng nông thôn nghèo, với những người dân suốt ngày lam lũ sống bám vào mảnh đất mà cha ông để lại cho họ, với tất cả những gì thiên nhiên ban cho. Nhưng thiên nhiên thì vẫn thế, mà con người thì mỗi ngày lại nhiều hơn, đông hơn, nhu cầu mỗi ngày cũng cần thiết hơn, nên người dân ở đây lại phải vất vả hơn.


Thế mà vào lúc 10 giờ ngày 03 tháng 09 năm 2007, Đức Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long Tôma Nguyễn Văn Tân với khoảng 40 cha đồng tế, dâng thánh lễ tạ ơn, làm phép ngôi nhà thờ mới, khang trang, thật đẹp, ngôi nhà vượt quá tầm với của những người dân hiền lành chân thật thuộc họ đạo Cái Cá. Làm sao họ có thể đóng góp để xây dựng nên ngôi nhà thờ mà họ hằng mơ ước, để thay thế cho ngôi nhà thờ đã hiện diện với thời gian vượt quá số tuổi của nhiều người trong họ đạo. Ngôi nhà thờ đã bị thời gian làm cho hao mòn cùng với những tàn phá do những năm tháng gian khó của chiến tranh đã qua. Ngôi nhà cũng được tái thiết lại để có thể che mưa, nắng cho hơn 800 tín đồ trung thành với đức tin đến trú ngụ mà tìm được sự sống. Mỗi ngày, với sự lo âu của nhiều người, nhưng ngôi nhà thờ dường như không nhìn thấy, nó cứ yếu dần, những vết nứt càng rạn nứt thêm về chiều ngang lẫn chiều dọc, làm cho sự liên kết mất dần đi tính hiệu quả của nó; nền nhà thờ mặc dù được những tấm gạch màu bảo vệ, nhưng cứ chông chênh dường như mới trải qua cơn động đất.


Cha Gioan Phạm Hữu Diện, nhận trách nhiệm chăm sóc họ đạo Cái Cá từ năm 1996 với tình trạng như thế. Bước vào vùng đất thật tình nghĩa, đất cứ bám lấy người và không bao giờ buông tha, đất cũng đùa giỡn với người không biết mệt mỏi; đó là trong những lúc trời đổ cơn mưa, thì không có phương tiện giao thông nào khác có thể đến được với Cái Cá ngoài đôi chân mà Thiên Chúa ban cho con người; từng bước, từng bước thật cẩn thận, nếu không sẽ bị đất đùa giỡn và đất sẽ bám đầy người, cho dù có dùng chất gì để tẩy thì vẫn còn để lại vết tích.

 

Giờ đây niềm vui mừng đang hiện diện nơi những con người, vì điều họ hằng mơ ước, đang trở thành hiện thực, ngôi nhà thờ họ tưởng như không thể thực hiện được, giờ đây đang sừng sững trước mắt. Có phải những con người nầy đã làm nên kỳ tích, hay họ đóng góp thật tích cực để làm nên ngôi nhà thờ như thế. Họ đã làm nên kỳ tích là đóng góp hết công sức của mình, nhưng họ chỉ có công và sức mà thôi, công sức của những con người nhiệt thành, với tất cả tình yêu thương thể hiện qua hành động. Chỉ có công và sức thì làm sao có được ngôi nhà thờ như thế? Thật thế, họ chỉ có công và sức, vì gia đình và hoàn cảnh của họ không thể nào làm được gì hơn.


Nhưng ngôi nhà thờ có được là nhờ lòng hảo tâm của rất nhiều người, lòng tốt của những con người thật sự, những người có được một con tim nhân hậu, biết yêu thương thật sự, khi nhìn thấy được nhu cầu cần thiết của người khác. Những người nầy cũng có khi không phải có cuộc sống dư thừa gì, nhưng vì biết yêu thương bằng tình người, nên họ dám rộng tay để thể hiện tình yêu thương bằng hành động, với những đồng tiền và những gì cụ thể cần thiết cho những người cần đến.


Thế mà trong những ngày gần đây, có những tiếng nói, ví những người như thế là những con bò sữa, còn những người nhận lấy với tất cả tình người là gì, mà phải bị tiếng nói rất đau lòng bảo phải chắm dứt. Nhưng thật sự nơi công trình nhà Thờ Cái Cá, không nhìn thấy những con bò, cũng không nghe ai nói gì tình trạng bị vắt kiệt sức hay hết sữa, mà hoàn toàn trái ngược, chỉ những con người với tất cả niềm vui. Người đã góp công cùng với lòng chân thành của mình, họ cũng là những người nhận, họ vui mừng nhưng không mất đi vẻ lam lũ thường ngày, những bộ đồ mới nói lên niềm vui của họ, nhưng vẫn còn phản phất nét đơn sơ thật thà; những nụ cười thật tươi và những câu nói vui mừng chào đón khách nhưng vẫn còn mùi khét của nắng và vị mặn của muối biển. Mặc dù thế, nhưng họ vẫn hoàn toàn là người với tất cả niềm tin yêu mà Thiên Chúa ban cho họ, họ biết mình đang được hồng ân như thế nào, qua những con người tràn đầy niềm tin và lòng yêu mến. Cha Gioan Phạm Hữu Diện giới thiệu với Đức Giám Mục người ủng hộ bàn thờ đá hoa cương thật xinh đẹp, hai anh chị là những con người thật sự, quê hương tại họ đạo Bến Luông cũng thuộc trách nhiệm của Cha Gioan Phạm Hữu Diện chăm sóc, nhưng giờ đã định cư một nơi khác. Đây cũng là những con người có tình yêu thương mà Thiên Chúa đặt để trong họ, tình yêu thương không để họ ngồi yên mà chỉ trích, nhưng đòi họ hành động thiết thực. Còn rất nhiều những con người thể hiện tình yêu thương thiết thực như thế, đã thể hiện gần hai năm trời để hoàn thành công trình nhà Thờ Cái Cá, công trình của yêu thương, công trình của những con người thật sự biết sống bằng tình người.


Nếu so sánh với những ngôi nhà thờ ở những vùng khác, thì công trình nhà thờ Cái Cá thật khiêm tốn, nhưng khi bước chân đến tận nơi, nhìn thấy những con người với tất cả sự vui mừng thể hiện không chỉ trên nết mặt, nhưng vui mừng bằng hành động và bằng cả cuộc sống. Họ không biết dùng lời nói nhưng dùng chính con người và cuộc sống của mình để thay lời cám ơn, gởi đến những con người người vì tình yêu thương đã giúp cho họ được như thế.


Trong thánh lễ với tất cả tình người, và hơn thế nữa, trong tâm tình của người Mục Tử, Đức Giám Mục mời gọi mọi người nhận ra Tình Yêu Thương của Thiên Chúa; Ngài dẫn dắt mọi người đến từ Abraham được Thiên Chúa yêu thương, chọn gọi ông làm Tổ Phụ một dân riêng của Chúa, đến những người của ngày hôm nay, Thiên Chúa cũng yêu thương, cũng đã chọn gọi và chăm sóc thật đặc biệt, cụ thể ngôi nhà thờ mới với những trang hoàng thật xứng hợp được trao tặng cho những con người họ đạo Cái Cá. Tình Yêu Thương của Thiên Chúa thể hiện qua nhiều thời đại với những phương tiện là con người, bằng cách này hay cách khác để mang đến cho những người cần thiết. Tình Yêu không so đo, không tính toán, cũng không phê bình chỉ trích hay đòi hỏi người nhận phải có điều kiện gì; chỉ cần Tình Yêu cần đến là được đáp ứng với tất cả những gì thật sự là tình yêu thương.


Trong niềm vui mừng, với những lời tạ ơn thật đơn sơ và chân thành của người Cái Cá, hứa sống xứng đáng với Hồng Ân đã nhận được. Niềm vui chan hòa hết mọi người, mỗi người đều được phần của mình thật xứng đáng: Những con người của Cái Cá họ được điều mình đã mơ ước nên họ hết sức vui mừng; còn những vị khách, có vị từ rất xa cũng vui mừng vì thấy tình yêu thương của mình mang lại kết quả thật tốt đẹp.


Hồng Ân Thiên Chúa bao la,


Muôn đời con sẽ ngợi ca Ơn Người.

 

Theo Web site Giáo phận Vĩnh Long

 

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

HIỆP CÔNG CỨU CHUỘC BẰNG CUỘC TỬ ĐẠO SUỐT ĐỜI

Ngày hôm qua chúng ta tôn thờ Thánh Giá Chúa Kitô, hôm nay chúng ta mừng kính cây thánh giá cuộc đời của Đức Mẹ.Cùng Chúa Giêsu, người con một của mình, Đức Mẹ đã hiệp công cứu chuộc trần thế. Sự hiệp công này đã làm cho cuộc đời Đức Mẹ trở thành một cuộc đời tử đạo.

I. HIỆP CÔNG CỨU CHUỘC.

Tước hiệu “Đức Mẹ sầu bi” nói lên tất cả sự hiệp công cứu chuộc của Mẹ Thiên Chúa cùng đồng hành với Con của mình trên con đường thánh giá. Khi gọi Đức Mẹ là Đức Mẹ sầu bi, chúng ta không chỉ nhìn nhận, nhưng tin rằng, mang thân phận con người như chúng ta, dù là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ cũng ngập tràn đau khổ. Vì tin như thế, chúng ta cất lên lời ca ngợi trong bài Ca Tiếp liên ngày lễ Đức Mẹ sầu bi: “Mẹ sầu bi, tầm tã giọt châu, đang đứng bên cây thập giá, nơi Con Người đã bị treo lên. Một lưỡi gươm nhọn đã đâm qua tâm hồn Bà đang rên siết, đang sầu khổ và đau buồn. Ôi đau buồn và sầu khổ biết bao cho bà Mẹ đáng suy tôn của một người Con duy nhất…”.

Thực ra, bản thân Đức Mẹ không bị tấn công, không bị ai hành hình, nhưng chính trong tình yêu khôn tả đối với Con, Đức Mẹ đã liên đới, đã sớt chia đến cùng sự đau đớn của Con. Bởi sự sống của Con gắn liền với sự sống của Đức Mẹ, thân xác của Con là một phần thân xác mà chính Đức Mẹ dâng tặng, vì thế, Thánh Giá của Con cũng sẽ gắn liền với đau khổ của Đức Mẹ, cái chết của Con mà Đức Mẹ chứng kiến trở thành cái chết của tâm hồn Đức Mẹ. Chính trong đau khổ như xét nát cõi lòng của một người Mẹ hợp với đau khổ “của một người Con duy nhất” ấy, Đức Mẹ đã cùng Con dâng hiến cây thánh giá đời mình để cùng cây Thánh Giá của Con, ban ơn cứu độ cho trần gian. Bởi với tình mẹ con đầy thiêng liêng, thì làm sao cái chết của Con không xé nát tâm hồn Đức Mẹ!

Ngay việc liên kết ngày lễ Đức Mẹ sầu bi hôm nay với ngày kính thờ Thánh Giá Chúa Giêsu, đủ để nói lên lòng tin tưởng của Hội Thánh vào việc Đức Maria liên kết với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn sinh ơn cứu chuộc hồng phúc.

Công Đồng Vatican II đã không tiếc lời ca tụng Đức Mẹ, ca tụng sự hiệp công của Đức Mẹ trong ơn cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện: “Đức Maria, con cháu Ađam, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên Mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Ngài, Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài” (GH số 56).

Đức Mẹ đã trung thành theo Chúa Giêsu, vác thánh giá cùng Con đi hết mọi chặng đường Thánh Giá của Con. Để rồi nơi đồi Tử Nạn, Đức Mẹ cũng đã cùng Con kết thúc hành trình Thánh Giá của Con đầy thương đau. Hành trình Thánh Giá của Con kết thúc. Nhưng thánh giá cuộc đời Đức Mẹ vẫn còn, bây giờ bước sang giai đoạn mới, đó là giai đoạn vác thánh giá cùng Hội Thánh là chi thể nhiệm mầu của Con. Bằng cách tiếp tục hành trình thánh giá của Hội Thánh, Đức Mẹ dạy Hội Thánh hãy cùng hiến dâng thánh giá của Hội Thánh với thánh giá của cuộc đời Đức Mẹ hiệp công trong Thánh Giá của Chúa Giêsu, nhằm mang lại ơn cứu chuộc cho chính Hội Thánh và cho nhân loại.

II. MỘT CUỘC TỬ ĐẠO BỀN BỈ.

Tước hiệu “Đức Mẹ sầu bi” cũng cho biết trọn vẹn ý nghĩa cuộc tử đạo kiên cường của Đức Mẹ. Cuộc tử đạo ấy là cuộc tử đạo của cả một đời đi theo Chúa, vác thánh giá với Chúa. Cuộc tử đạo ấy đã làm cho Đức Mẹ hiệp công cùng Con trong từng ngày tháng của đời mình cứu độ trần gian. Tin Mừng cho chúng ta biết Đức Mẹ đã vui lòng đón nhận cuộc tử đạo bền bỉ, trải dài trọn cuộc đời. Cuộc tử đạo ấy được ghi dấu qua từng giai đoạnh như:

- Khi đón nhận Con trong ngày nhập thể và bị thánh Giuse hiểu lầm.

- Khi phải chứng kiến cảnh tượng Con lòng mình phải sinh ra trong nơi hèn mọn.

- Khi nghe cụ già Simêon tiên báo: “Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà”.

- Khi bị Hêrôđê tìm giết Con, đã phải bồng Con lặn lội trong đêm trốn sang Aicập.

- Khi lạc mất Con, phải đôn đáo tìm Con đến ba ngày mới gặp.

- Khi dõi theo bước chân truyền giáo của Con và nhận ra đó không phải là những bước chân êm đềm, nhưng phải luôn luôn đối đầu với sự khinh miệt, bị thù ghét, nhiều lần bị rắp tâm giết hại.

- Khi theo Con trên đường lên đồi Sọ, chứng kiến Con vai vác thập giá nặng, thân thể đầy thương tích do roi đòn, do lòng thù hận của loài người gây nên.

- Khi chứng kiến cảnh con phải chịu trần trụi vì bị tước sạch, cả đến manh áo cuối cùng. Bị tước sạch như thế, cũng là sự bị tước sạch giá trị làm người của một con người.

- Cùng chịu đóng đinh đau đớn với Con khi chứng kiến Con oằn quại trước những mũi đinh đâm thâu tay chân.

- Cùng thấm thía nỗi đau không thể diễn tả hết trong lời trăn trối của Con để đón nhận người môn đệ mà Con yêu dấu làm con mình.

- Cùng Con chết lặng, khi chứng kiến đến cùng giây phút cuối đời bi thương của Con.

- Buốt giá tâm hồn khi nhận lấy thân xác cứng đờ của Con từ trên thánh giá.

- Càng đau đớn và buốt giá bội phần khi ôm xác Con mà an táng vào ngôi mộ mới.

Đúng là một cuộc tử đạo trọn vẹn. Hay nói cách khác, Đức Mẹ sầu bi không chỉ tử đạo khi hiện diện bên chân Thánh Giá, nhưng là cuộc tử đạo bền bỉ: Một cuộc sống tử đạo. Vì thế, Công Đồng đã ca ngợi cuộc tử đạo của Đức Mẹ khi nhìn thấy Đức Mẹ hiến tế với Chúa Giêsu nơi Thánh Giá Chúa: “Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra” (GH số 58).

Cuộc tử đạo của Đức Mẹ sầu bi hết sức rõ ràng: Đức Mẹ quyết từ bỏ ý riêng, để trọn một lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Cuộc tử đạo ấy cũng hết sức quyết liệt: Đức Mẹ trung thành đón nhận Thánh Giá cùng Con đến cùng, không sợ hãi, không nghi nan, nhưng sẵn sàng đương đầu với tất cả những thử thách bất chấp đớn đau, bất chấp nguy hiểm. Cuộc tử đạo hết sức rõ ràng và quyết liệt ấy được thánh Bênađô ca ngợi: “Sự đau đớn đã đâm thâu tâm hồn Mẹ, khiến chúng con có thể nói một cách thích đáng rằng: Mẹ còn hơn người tử đạo, vì nơi Mẹ, niềm thông cảm đau khổ của Con, khiến Mẹ đau đớn hơn cả sự đau đớn trên thân xác” (bài đọc II kinh sách lễ Đức Mẹ sầu bi).

III. KẾT LUẬN.

Thật lạ lùng, tưởng chừng chỉ là một phụ nữ yếu đuối, Đức Mẹ lại có khả năng phi thường tham dự hoàn toàn vào mọi đau khổ của Chúa Giêsu. Đức Mẹ đã một lần đáp “xin vâng” cùng Thiên Chúa trong ngày nhận lời truyền tin của thiên thần, nhưng lại có thể kiên trì hết sức để sống cả một đời “xin vâng”. Đức Mẹ thật can trường, thật mạnh mẽ hiến dâng trọn vẹn đời mình cho Thánh Giá Chúa, theo Chúa, để thánh ý Chúa quyết định hoàn toàn cuộc đời mình.

Sự tham dự vào Thánh Giá của Con để hiệp công cùng Con chấp nhận một đời tử đạo, đã đặt Đức Mẹ vào vị trí trung gian giữa Chúa Con với chúng ta, một vị trí trung gian cao cả chỉ có một duy nhất bên cạnh Chúa Con, không có bất cứ vị trí trung gian loài người nào sánh bằng, cũng chẳng bao giờ làm tổn hại đến vị trí Trung gian tuyệt đối của Chúa Con với Thiên Chúa. Chính Công Đồng, khi nhắc tới vị trí trung gian của Đức Mẹ, đã nhìn nhận: “Vai trò làm mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò Trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự Trung gian ấy” (GH số 60).

Mừng kính cây thánh giá cuộc đời của Đức Mẹ, chúng ta được mời gọi chạy đến cùng Đức Mẹ với tất cả tâm tình con thảo mến yêu phó thác. Nếu ngày xưa, Đức Mẹ đã kết hợp với Con trên từng chặng đường thánh giá, thì ngày nay, chắc chắn Đức Mẹ cùng sẻ chia, thông cảm với mọi nỗi đau của cuộc đời mỗi chúng ta.

Ngày lễ Đức Mẹ sầu bi, hướng nhìn Thánh Giá Chúa, nhìn hình tượng Đức Mẹ đứng bên Thánh Giá Chúa, chúng ta cùng hiến tế đời mình như Đức Mẹ, để cùng sản sinh ơn cứu độ cho chính bản thân ta, cho Hội Thánh, cho thế giới bằng chính cuộc đời tử đạo của ta. Thánh Phaolô đã từng lưu ý: Sự hiến tế đời ta chính là sự thờ phượng Chúa thích đáng: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa xót thương chúng ta, tôi khuyên anh em hãy hiến dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp, để anh em thờ phượng Thiên Chúa” (Rm 12, 1).

Có lẽ, hơn ai hết, Đức Mẹ đã hiểu rõ hiến tế là cách thức thờ phượng Chúa thích hợp, vì thế Đức Mẹ đã vui lòng hiến tế toàn hảo đến vậy. Chúng ta hãy học gương Đức Mẹ, để cùng Đức Mẹ lựa chọn con đường thánh giá, như là ân huệ quý giá Chúa ban để nên giống Chúa, để cứu đời. Ta học lấy tâm tình của Đức Mẹ, hiến dâng mình làm của lễ sống động, để việc thờ phượng Chúa của ta được thiết lập bằng một tương quan sâu lắng, một tương quan nội tâm bền chặt, mãnh liệt, gắn bó mật thiết đến nỗi không bao giờ tách rời, không bao giời có thể bị phân cách mà Đức Mẹ đã thực hiện suốt đời.

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con hằng ngày biết sẵn lòng chịu mọi gian lao đau khổ, hiệp cùng sự thương khó của Mẹ, để cùng Mẹ cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Chúa Kitô, nhằm mang lại sự sống đời đời cho chính chúng con và cho thế giới. Amen.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

 

NGÀY 14 và 15 THÁNG 9 LÀ NGÀY GÌ ?

Đó là ngày Giáo hội biểu lộ tình thương.

Thiên Chúa biểu lộ tình thương qua Giáo hội. Qua các ngày lễ trong năm phụng vụ, ta có thể thấy và hiểu được tấm lòng của Ngài, cụ thể hơn :

Ngày 14 : lễ Suy tôn Thánh giá.

Giáo hội không chọn ngày này làm bổn mạng của giới trẻ, thiếu nhi hay cho bệnh nhân. Cũng không chọn ngày làm làm bổn mạng cho các linh mục hay tu sĩ. Mà dành ngày đặc biệt này cho giới chủ hộ.

Thánh giá liên hệ mật thiết với con người, đặc biệt là các gia đình. Ôi nhiều thánh giá lắm. Tuy ngắn hạn, nhưng lại rất nhiều và đòi hỏi phải giải quyết ngay. Nào là chuyện ăn chuyện uống. Chuyện khoẻ chuyện yếu. Chuyện vợ chuyện con. Chuyện ở nhà chuyện ở trường. Chuyện nào cũng cần thiết. Đúng là thánh giá nhiều thật.

Nếu coi trách nhiệm và bổn phận của bậc làm cha là thánh giá, là đau khổ thì cũng phải. Thế nhưng, thánh giá và đau khổ nó chỉ là phương tiện để ta bày tỏ công phúc, bày tỏ hy sinh vì tình mà thôi. Chỉ có một cách duy nhất để vượt qua đau khổ và thánh giá là là đi xuyên qua nó.

Hy sinh cho tình yêu luôn mang lại cho ta sức sống, niềm vui, nguồn hạnh phúc nghị lực và can đảm để dấn thân cho người mình yêu.

Chẳng có nhân vật nào lý tưởng và tuyệt vời cho bằng Vua Giêsu. Vua Giêsu khi nhìn thấy dân chúng mà động lòng thương. Nào là cảnh như chiên không người chăn dắt; nào cảnh cô đơn, cô thế cô thân; nào cảnh nghèo đói bệnh tật, dốt nát, nhất là đói khát sự công chính; nào là những nguy cơ do ma quỷ tấn công có thể làm cho tác phẩm của Thiên Chúa bị huỷ diệt. Ngài không thể không hành động. Phương tiện Ngài dùng là cây thập giá và sức của tình yêu.

Ngài đã chiến thắng đau khổ bằng thập giá. Lời Ngài dạy thật chí lý, Ngài nói : “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ bồi dưỡng cho. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Ta, vì ách của Ta thì êm ái và nhẹ nhàng” (Mt 11,28-29).

Vua Giêsu chạnh lòng thương khi nhìn thấy tình cảnh của dân chúng. Bắt chước Ngài, hãy chạnh lòng thương mà bày tỏ cho con cái biết những hy sinh của ta cho chúng, vì yêu chúng.

Mỗi khi thấy trách nhiệm nặng nề, hãy nhìn lên Thiên Chúa - là Tình Yêu.

Mỗi khi ta gặp đau khổ thì đừng tuyệt vọng, hãy nhìn lên thập giá tình yêu Giêsu.

Mỗi khi ngã lòng vì đau khổ, hãy nhìn lên thập giá tình yêu Giêsu.

Mỗi khi buồn sầu bất hạnh, hãy nhìn lên thập giá tình yêu Giêsu.

Ngày 15 : lễ Đức Mẹ sầu bi.

Giáo hội, Mẹ chúng ta thật ưu ái dành riêng ngày này cho các bà mẹ, và cũng tha thiết các bà nhìn lên Mẹ Maria để thấy được tình yêu của Mẹ dành cho Con Chí Ái và cho con cái nhân loại nhiều đến dường nào.

Không ai thương con bằng mẹ. Không ai ân cần lo lắng cho con bằng mẹ. Không ai chu đáo chăm sóc con bằng mẹ. Thế nhưng cũng không ai đau khổ bằng mẹ, vì con. Thương yêu nhiều, hy sinh nhiều thì bị thương tổn nhiều.

Thử nghĩ xem, trọn đời ta hy sinh thời gian, tiền bạc, sức khoẻ cho con, kết quả là chúng không ngoan cũng chẳng tốt, không giỏi cũng chẳng thành đạt, không hiếu thảo cũng chẳng vâng lời, không ích lợi mà còn có hại cho gia đình, xã hội, hoặc chúng là mối lo sợ cho xã hội. Thật đau lòng cho các bà mẹ.

Những nguy cơ lớn ấy chẳng ai muốn. Vậy ta làm gì đây ? Giao trách nhiệm ấy cho chồng, cho nội cho ngoại, hay trao con cái cho Giáo hội, cho xã hội lo.

Không, nguy cơ càng cao thì càng cần thể hiện tình yêu, tận tuỵ, hy sinh của mình nhiều hơn nữa.

Nhìn vào Mẹ Maria thì biết. Được vài lần cùng con phấn khởi như đi hội Giêrusalem, đi tiệc cưới Cana, còn lại là đời sống âm thầm ở Nagiarét. Cuộc đời lo toan vất vả trong đời thường như các bà mẹ khác, lại còn thêm lo lắng cho người con khó hiểu này, đặc biệt cho những tháng ngày đi rao giảng sự công chính. Đủ lời gièm pha chỉ trích con, liên luỵ đến Mẹ.

Và đau khổ nhất là mọi hy sinh của Mẹ, của Con cho đời cho người, thì kết cục, trong thinh lặng con nhìn Mẹ, rồi Mẹ nhìn con trên thập giá. Thật đau khổ. Quá khổ đau.

Hỡi các bà mẹ, làm sao Mẹ chúng sao có thể chịu đựng và chấp nhận nổi nếu thiếu vắng tình thương bao la của người Mẹ. Hãy nhìn lên Mẹ Maria để có thêm sức mạnh của tình yêu mà tiếp tục can đảm chấp nhận đời, đón nhận người và yêu thương con cái hết mình, hết tình, hết đời.

Chúa Cha thương ta. Chúa Giêsu yêu ta. Mẹ mến ta. Ta còn có gì vui, hãnh diện và tự hào nào hơn Chúa và Mẹ của chúng ta nữa.

Ta hãy chúc tụng Chúa, cám ơn Mẹ.

Thanh Thanh

Mục lục

 

THẬP GIÁ ĐIÊN RỒ

Muốn suy niệm một chút về mầu nhiệm thập giá, tôi nhớ ngay tới mấy câu quen thuộc trong thư thứ I thánh Phao-lô gởi giáo đoàn Cô-rin-tô: "Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ" (1 Cr 1,22-23). Và chỉ một đoạn sau đó, thánh Tông Đồ lặp lại: "Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá" (1 Cr 2,1-2).

1. Tại sao Thánh Phao-lô nhấn mạnh như thế?

Thánh Tông Đồ đứng trước hai nền văn hoá mà những người trong cuộc đều rất lấy làm hãnh diện: một bên là văn hoá Do-thái (mà nòng cốt là tôn giáo, là "Lề Luật"), bên kia là văn hoá Hy-lạp (mà nòng cốt là văn chương, triết học). Thánh nhân đều thông thạo cả hai. Ngài đã từng là một người Pha-ri-sêu nhiệt thành, và chính vì say mê truyền thống tôn giáo của cha ông mà đã ra tay bắt bớ các tín đồ của Chúa Kitô. Đối với đạo Do-thái, sứ điệp cứu độ của Đức Kitô là "nhảm nhí"; chính bản thân Đức Kitô chịu đóng đinh đã là một sự "ô nhục không thể chấp nhận". Cho đến khi ngài "được Đức Kitô chiếm đoạt" (Pl 3,12) cách lạ lùng tại Đa-mát, trên đường đi lùng bắt người Kitô hữu, bổng chốc mọi xác tín và niềm tự hào tự đắc của ngài đều tan biến hết. Trong lúc người Do-thái cho rằng không dân tộc nào có một tôn giáo, một bộ Luật hoàn hảo hơn mình, thì ngược lại người Hy-lạp cũng tự hào như thế về văn hoá của họ. Ai khôn ngoan hơn họ vì họ có một truyền thống triết lý đồ sộ không dân tộc nào sánh kịp? Triết học lúc bấy giờ bao trùm mọi lãnh vực và được gọi là "sự khôn ngoan" hay "sự thông thái" (so-phi-a, phi-lo-so-phi-a). Và thánh Phao-lô cũng đã từng dùng văn chương, triết lý Hy-lạp để rao giảng ngay tại trung tâm của nền văn hoá sáng chói này là A-thê-na.

Bây giờ, tại Cô-rin-tô, một thành phố tráng lệ, giàu có và chịu ảnh hưởng văn hoá Hy-lạp, thánh Tông Đồ mạnh mẽ tuyên bố: Đức Kitô chịu đóng đinh là sự Khôn Ngoan đích thực, "sự khôn ngoan của chúng ta" ( 1 Cr 1,30). Người vượt xa vô hạn mọi khôn ngoan, hiểu biết của thế gian, của người Do-thái và người Hy-lạp, hay bất cứ dân tộc nào, vì đó là sự khôn ngoan thông thái phát xuất từ Thiên Chúa. Và Phao-lô nói như một người hiểu biết và từng trải, ngài nói từ kinh nghiệm bản thân. Đứng theo quan điểm "thế gian" thì Đức Kitô chịu đóng đinh mãi mãi là một sự điên rồ, một điều ô nhục, một sự yếu đuối. "Con người sống theo tính tự nhiên" thì không thể đón nhận được, nhưng "phải nhờ Thần Khí Thiên Chúa" ( 1 Cr 1,14). Vậy "Đừng ai tự lừa dối mình.Nếu trong anh em, có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật" (1 Cr 3,18). Phao-lô cũng đã từng tưởng mình là khôn ngoan cho đến lúc gặp và tin theo Đức Kitô chịu đóng đinh mới ngộ ra mình là dại.

2. Đức Kitô chịu đóng đinh và chúng ta ngày nay.

Chấp nhận Đức Kitô chịu đóng đinh một cách nhất quán, mạch lạc trong nhận thức và nhất là trong cuộc sống, trong hành xử, trong rao giảng: đó là điều khó, khó cho từng người tín hữu, khó cho các nhà lãnh đạo, khó cho cả Giáo Hội mọi nơi, mọi thời. Chúng ta thường xuyên bị cám dỗ lấy sự khôn ngoan tự nhiên, sự khôn ngoan của loài người thay cho sự điên rồ của thập giá. Dĩ nhiên sự khôn ngoan tự nhiên cũng cần thiết (ví dụ kinh nghiệm, kiến thức, văn hoá, kỹ thuật, tài năng, phương tiện vật chất...) nhưng đừng để nó lấn át sự khôn ngoan của Chúa mà tiêu biểu là thập giá Chúa Kitô. Nếu Đức Kitô đã theo sự khôn ngoan "tự nhiên" của người đời thì Người đã không chịu nạn chịu chết. Trong cách thức rao giảng, chúng ta cần phải thích nghi với các nền văn hoá, nhưng lắm khi chính sứ điệp Chúa Kitô phê phán, chống lại những mặt nào đó của một nền văn hoá cụ thể.

"Trong khi người Do-thái trông đợi một vương quốc hiển hách, thánh Phao-lô lại giới thiệu cho họ một tử tội bị đóng đinh đã không giải phóng tổ quốc mình, và họ công phẩn. Ngày nay, thái độ tích cực nhưng bất bạo động của người Kitô hữu và cuộc đấu tranh liêm chính, không hận thù của họ cũng gây công phẫn cho nhiều người, vì những người này cho rằng phương sách đó vô hiệu và quá chậm chạp để giải quyết vấn đề.

"Đối vối việc loan báo Tin Mừng cũng thế, chúng ta sẽ luôn cảm thấy khổ tâm làm việc với những phương tiện nghèo nàn trong một thế giới chịu ảnh hưởng các phương tiện truyền thông đại chúng, và cần phải trông vào ơn Chúa vì chúng ta yếu thế, không tước vị, không tiếng tăm. Chúng ta sẽ phải khổ tâm nhắc cho các cộng đoàn chúng ta nhớ đến đức nghèo của Chúa Giêsu, và chịu lớp người sống thoải mái trên đời chỉ trách" (Lời Chúa cho mọi người, giải thích 1 Cr 1,17).

Rao giảng một Đức Kitô nghèo khó, yếu đuối và chịu đóng đinh mà không chịu sống nghèo khó, khiêm nhường và chỉ muốn những phương tiện giàu mạnh, thích phô trương, háo thắng, biểu dương quyền lực của mình hay Giáo Hội mình,--đó là một điều mâu thuẫn và không thuyết phục ai bao giờ.

(7.9.2007)

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Mục lục

 

 

Tưởng Nhớ Và Cầu Nguyện Cho Các Nạn Nhân Biến Cố 911

Hôm nay, cùng với toàn quốc Hoa Kỳ, chúng ta tưởng niệm và cầu nguyện sốt sắng cho những nạn nhân của nạn khủng bố 911.

Trong mấy ngày gần đây, các nhóm cầu nguyện của chúng tôi đến trước Chúa Thánh Thể để thành tâm cầu nguyện cho các nạn nhân được sớm hưởng Nhan Thánh Chúa và gia đình họ được bình an.

Tôi nhớ lại vào sáng 11/9/2001, khi nghe tin rằng có máy bay tấn công vào 2 tòa nhà Mậu Dịch Thương Mãi nổi tiếng ở New York, rồi máy bay lại tấn công vào Ngũ Giác Đài ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, rồi máy bay rớt ở Pennsylvania, thì tôi đang làm việc một cách bình an trong sở.

Lúc ấy, có một số nhân viên được người thân gọi điện thoại vào báo tin dữ. Thế là cả sở ồn ào, náo loạn lên vì tất cả mọi người không còn tâm trí đâu mà làm việc được nữa. Một số người vội vàng vặn radio lên để nghe tin tức. Một số người khác thì xuống phòng ăn chung để xem TV mà theo dõi tinh hình. Còn một số người nữa thì tụ nhau bàn tán và khóc lóc.

Hai tòa nhà sang trọng và lộng lẫy ấy nay đã là mồ chôn hơn 3000 người vô tội. Đây cũng là nơi chôn sống hơn 300 người lính cứu hỏa anh dũng của sở Cảnh Sát New York cùng một số linh mục Công Giáo khi họ đến cấp cứu và bị cả tòa nhà còn lại đổ ập xuống chôn sống họ.

Càng nghe tin dữ, lòng tôi càng chùng xuống. Tôi vội vàng xin phép ông chủ để đi về vì lòng tôi tan nát trước thảm cảnh kinh hoàng ấy. Tôi lái xe đến nhà thờ Chánh Tòa Holy Family và quỳ trước Chúa Thánh Thể rất lâu. Dần dần, người ta lũ lượt đến nhà thờ. Đèn nến được thắp sáng, người ta vừa cầu nguyện vừa khóc, còn tôi thì âm thầm cầu nguyện bằng chuỗi Kinh Lòng Thương Xót Chúa và Chuỗi Kinh Mân Côi. Chỉ có Chúa mới đem lại bình an và an ủi con người trong những lúc có thảm kịch lớn lao ấy.

Tôi không hỏi Chúa tại sao mà chỉ biết van xin Lòng Thương Xót Chúa cho nhân loại, nhất là cho nước Mỹ trong ngày bi thương ấy. Vào những ngày sau đó, các anh chị em trong những nhóm cầu nguyện của tôi xúm nhau cầu nguyện và khẩn nài Lòng Thương Xót Chúa. Chúng tôi cầu nguyện cho các linh hồn nạn nhân vì họ không có thì giờ để mà ăn năn, đền tội trước khi chết.

Từ những thảm kịch của tội ác khủng bố, chúng tôi học được gương hy sinh để cứu người của hơn 300 người lính cứu hỏa New York. Họ ra đi để cấp cứu và rồi bị đè sập chết chung với các nạn nhân khác. Chắc chắn, họ là những vị thánh tử đạo và sẽ được Chúa ân thưởng.

Tôi cảm động khi biết tin ít nhất là một vị linh mục tuyên úy của các người lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ xức dầu thánh và chúc lành cho các chiến sĩ cứu hỏa và rồi ngài cũng bị chôn vùi chung với những người mà ngài vừa xức dầu cho. Đó là tình yêu, đó là hình ảnh tuyệt đẹp của Chúa Giêsu KiTô.

Trong thảm kịch của sự dữ vẫn có những gương sáng đẹp đẽ bừng cháy và sưởi ấm lòng người. Mải mãi, tôi sẻ không bao giờ quên được những hình ảnh đáng sợ của quân khủng bố, và những hình ảnh đáng quý của những người con Chúa đã hy sinh chết cho người khác.

Cũng từ ngày 11/9/2001 trở đi cho dến nay là 6 năm, người dân Mỹ không bao giờ còn những ngày thanh bình, đi lại thảnh thơi nữa. Từ đó, việc du lịch trở nên một gánh nặng cho các khách du lịch bằng đường hàng không vì các thủ tục xét hành lý gắt gao và mất thì giờ. Nước Mỹ đã thật sự bị chiến tranh bằng nạn khủng bố, trong đó có nạn khủng bố tinh thần. Từ đó, không còn ai cảm thấy an toàn trên mảnh đất tượng trưng cho tự do nữa.

Trong tâm tình yêu mến và hiệp thông, xín quý vị cùng chúng tôi tưởng niệm và cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn khủng bố ngày 11/9/2001. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta!

Kim Hà, 11/9/2007

Theo web site www.memaria.org

Mục lục

 

 

Lòng trông cậy

Khi còn thơ bé, còn trong lứa tuổi thanh thiếu niên, cha mẹ là nơi cậy trông quan trọng cho con cái trong đời sống. Cha mẹ với em bé, với bạn trẻ tựa như kho cung cấp nhu cầu cần thiết cho đời sống của họ từ quần áo, giầy dép, cơm bánh, nước uống, đồ chơi, xe cộ, sách vở, đến nhu cầu tinh thần lễ giáo học sống làm người trong gia đình, rồi ra đến ngoài xã hội, và cách sống đức tin trong Giáo Hội của Thiên Chúa.

Phải chăng đời sống như thế là đã đầy đủ tất cả rồi? Và đâu còn lòng trông cậy nào khác hơn nữa?

Cha mẹ chúng ta, không ai sống mãi. Họ sẽ có ngày ra đi trở về cùng Đấng tạo thành nên họ. Đó là công trình thiên nhiên của Thiên Chúa.

Ngay khi còn sống với con cái , dù là lúc các ngài còn trẻ, còn khoẻ mạnh, cha mẹ nào cũng không mãi mãi là kho cho những nhu cầu của con cái trong đời sống. Vì chính họ cũng là người đón nhận những qùa tặng, những cầu cho đời sống của chính họ cùng gia đình.

Họ đã lãnh nhận và họ trao ban tiếp đến cho con cái, những gì họ có. Họ cũng có nhu cầu lòng cậy trông.

Lòng trông cậy của em bé, bạn trẻ bắt đầu từ giai đoạn cuộc sống làm người dựa vào cha mẹ mình là căn bản cho những giai đoạn khác trong đời sống, nơi đó ai cũng cần lòng trông cậy luôn mãi.

Lòng cậy trông không là cách sống làm giảm gía trị nhân phẩm của con người. Trái lại, điều này giúp con người nhận ra giới hạn của đời sống mình, cùng làm tăng gía trị đời sống cho nhau: tôi không là một người biết hết cùng làm được hết mọi sự. Tồi cần người khác và người khác cũng cần tôi.

Trong đời sống tinh thần đạo giáo niềm tin, lòng cậy trông vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống của con người, mới đúng là địa chỉ, là kho tàng cho mọi nhu cầu của đời sống hôm qua, hôm nay cùng ngày mai.

Khi cần thiết, con cái chạy đến thỏ thẻ, nói xin cầu cứu với cha mẹ mình. Còn với Thiên Chúa, con người chúng ta hướng lòng tin yêu, lòng cậy trông tới Ngài qua lời cầu xin. Lời cầu xin đó, chúng ta luôn có trong tâm hồn, hằng đọc suy nghĩ hầu như hằng ngày. Đó là Kinh Lạy Cha.

Những lời kinh này do chính Chúa Giêsu dậy không chỉ ghi chép lại trong sách Kinh Thánh ( Lc 11,2-4) bằng một thứ ngôn ngữ tiếng nói. Nhưng đã được viết dịch ra bằng nhiều thứ ngôn ngữ tiếng nói khác nhau của con người trên thế giới.

Lời kinh này không chỉ người lớn mới đọc được. Nhưng cả trẻ em, bạn trẻ cũng học đọc thuộc lòng được. Vì nó ngắn gọn, đơn sơ dễ nhớ, như lời con cái nói với cha mẹ mình. Vì con người tất cả đều là con cái Thiên Chúa.

Lời kinh này không chỉ đọc trong nhà thờ, lúc cầu nguyện chung. Nhưng được đọc ở khắp mọi nơí vào bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào, to thành tiếng cũng như thầm lặng trong tâm hồn. Vì nó nói lên hầu như trọn vẹn lòng cậy trông cho nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của con người: Cho Nước Chúa, cho danh Chúa, cho nhu cầu lương thực hằng ngày, cho tình yêu thương, sự bình an, ơn tha thứ tội lỗi.

Lời kinh này không chỉ dành riêng cho một nhóm, một dân tộc, một hội đoàn, tổ chức nào đọc cầu nguyện. Nhưng cho hết mọi người. Ai cũng lời đọc cầu nguyện cùng Thiên Chúa, cùng Thượng Đế đều được cả. Vì tất cả đều là tạo vật được dựng nên trong khu vườn công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Lời kinh Lạy Cha nói lên lòng trông cậy của con người cùng Thiên Chúa, Đấng là kho tàng cho những nhu cầu của đời sống.

Lời kinh căn bản này giúp con người cầu nguyện nói lên lòng biết ơn với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nuôi dưỡng đời mình.

Lm. Nguyễn ngọc Long

Mục lục

 

TÔI SẼ CHỖI DẬY VÀ ĐI VỀ CÙNG CHA TÔI

Nhà văn Eric Butterworth đã kể chuyện về một giáo sư xã hội học đã đưa các sinh viên đến một khu ổ chuột ở Baltimore để làm hồ sơ lý lịch cho 200 em trai. Qua một số câu hỏi để lượng định về tương lai các em, các sinh viên đều nhận định về từng em : “Không có hy vọng tiến thân!”

Hai mươi lăm năm sau, một giáo sư xã hội học khác tình cờ đọc qua bản nghiên cứu ấy. Ông lại cho các sinh viên tìm hiểu xem những gì đã xảy ra cho các em trai đó. 176 trong số 180 em còn ở tại miền đó đều là những người thành đạt. Hết sức ngạc nhiên, ông tìm đến từng người để biết đâu là lý do sự thành công của họ. Họ đều xúc động trả lời : “Chúng tôi đạt tới thành công nhờ vào tình thương của một vị thầy”.

Vị thầy mà họ nhắc đến là một bà lão vẫn còn minh mẫn. Vị giáo sư lại hỏi bà đã dùng phương thức thần diệu nào để lôi những em trai đó ra khỏi khu ổ chuột và đạt tới sự thành công như vậy. Đôi mắt sáng lên niềm vui, bà lão trả lời : “Thật là đơn giản, tôi đã thương yêu bọn chúng”.

Ắt là vị giáo sư đã không khỏi ngạc nhiên trước hoa trái lạ lùng bởi tình yêu của bà lão, nhưng cả vũ trụ còn phải sửng sốt mãi cho đến muôn đời sau về những điều kỳ diệu bởi tình yêu Chúa :

Bởi tình yêu bao la của Chúa, con người được dựng nên từ hư không theo hình ảnh Chúa. Tình yêu đó càng rực sáng hơn khi Chúa cứu vớt họ từ vực sâu tội lỗi, từ đáy sâu của sự phản bội. Trước tình yêu nhưng không chỉ biết cho đi của Thiên Chúa, người ta đã phản bội khi đi tìm mình : ngay sau khi được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, “chúng đã sớm bỏ đường lối Ta chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó”. Đó cũng là sự u mê nơi thánh Phaolô, “kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng”, nơi người con thứ khi “thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ”, và nơi người con cả khi đòi hỏi cho riêng mình “một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn”, mà không nhận ra tình yêu vô biên của Chúa.

Không chỉ Dân Do thái, mà có thể nói được là ai cũng luôn bị cám dỗ đúc một con “bò con” cho riêng mình.

Thiên Chúa đã làm gì trước sự phản bội của con người? Câu nói đầy vẻ giận dữ của Chúa với Môsê : “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. … Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ hủy diệt chúng …” chỉ là tiếng nói của lương tri cho thấy sự bất xứng của nhân loại tội lỗi, chứ Thiên Chúa thì không như thế. Là tình yêu, Chúa không biết giận trước sự bội phản của con người mà chỉ biết thương xót cho sự u mê của họ.

Ý định của Chúa là những gì được Môsê viện dẫn ra để van xin : “Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng ‘Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản nhiều như sao trên trời”

Ba dụ ngôn liên tiếp của Đức Kitô trong Phúc âm Luca đưa ra những hình ảnh thật đẹp về tình yêu Chúa, cho thấy mỗi người có một chỗ riêng, đặc biệt trong trái tim Chúa đến nỗi Chúa như người mục tử chưa thể nằm yên được cho đến khi tìm được con chiên bị lạc, hay như một phụ nữ dù đang đêm mà biết là mất một đồng bạc thì “đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy”; chỉ biết yêu nên Chúa không giận dữ nhìn vào sự phản bội mà chỉ thương xót thấy sự cùng cực của con người đang lìa xa Chúa. Với người em trở về thì “khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu”; còn với người anh, người cha nhắc anh về kho báu thật của anh là tình thương của cha : “mọi sự của cha đều là của con”

Paul Karrer, trong truyện ngắn Baby flight (Sunflower số 131), đã kể lại kinh nghiệm của anh khi nhận chuyển giao ba đứa trẻ dị dạng để được đi với vé máy bay giá rẻ trên đường bay từ Hàn quốc về Mỹ.

Có hai người lính Mỹ xin bế giúp anh hai đứa bé, và anh kể tiếp : “tôi ngồi ở đó bế đứa có cái đầu rất lớn. Nó chớp chớp mắt với hàng lông mi dài rất đẹp của nó và mỉm cười. Thật là ngộ khi những việc như thế lại có thể làm thay đổi con người bạn. Từ thời điểm đó trở đi bé gái đó toả sáng vẻ đẹp của nó và không hề rời cánh tay tôi … lúc này đã phát triển trong tôi một mối liên kết mạnh với đứa bé của tôi. Thậm chí tôi còn đặt tên nó là Tina. Càng nghĩ đến việc đưa nó cho người khác tôi càng thấy lo âu về cha mẹ sắp tới của nó … lo lắng không có ai muốn nuôi nó”

Tại sân bay, khi giao Tina cho cha mẹ nuôi của nó, nó đã gọi anh là “Oma” (‘mẹ’ trong tiếng Hàn quốc), lúc đó anh đã ngồi xuống và khóc.

Thiên Chúa là tình yêu. Đó là cái biết lớn nhất, và là cái biết phát sinh sự sống trong tôi : “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1Ga 3,16)

Trước mặt tôi chỉ còn một con đường là biết Chúa để yêu Chúa hơn và yêu Chúa để biết Chúa hơn : “Tôi sẽ chỗi dậy và đi về cùng cha tôi”.       

Lm. HK

SỐNG CHỨNG NHÂN

 

TỪ MA TÚY ĐẾN THÀNH VIÊN TU HỘI TẬN HIẾN


Pascale Gauthier là nữ tín hữu Công Giáo Canada. Hơn thế nữa, Cô là thành viên một tu hội tận hiến, chuyên giáo dục và tái giáo dục các thành phần dân Chúa, trở về với đời sống cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Tu Hội Tận Hiến điều động ”Trung Tâm Cầu Nguyện Giao Ước - Centre de Prière l'Alliance”, nơi diễn ra các khóa tu đức và các tuần tĩnh tâm.


Con đường tiến đến tận hiến hoàn toàn cho THIÊN CHÚA của Pascale Gauthier thật đặc thù và gay go. Chính Cô kể lại như sau.


Tôi chào đời trong gia đình Công Giáo đạo đức, có đủ điều kiện để sống hạnh phúc. Cha mẹ tôi tâm đầu ý hợp, sống trong hòa thuận yêu thương. Gia đình tôi khá giả. Tôi có hai anh trai và một em gái. Cứ sự thường, tôi phải cảm thấy đầy đủ, sung sướng trong một gia đình lý tưởng như thế! Vậy mà, tận thâm tâm, tôi vẫn mơ ước tìm kiếm một cái gì hơn thế nữa.


Và rồi, mặc dầu được gia đình bao bọc yêu thương, tôi vẫn cảm thấy cô đơn, mà không hiểu tại sao. Đôi khi tôi còn dám trách cứ THIÊN CHÚA:


- Tại sao Chúa cho con chào đời?


Chưa hết, tôi trút đổ cho người khác những khó chịu bực tức của tôi. Tôi nghĩ người khác không yêu thương tôi. Người khác là nguyên nhân làm tôi phải khổ. Nói tóm một lời, tôi không bao giờ bằng lòng với bất cứ điều gì và với bất cứ ai!!!


Chính trong tâm tình này mà khi bước vào trung học, tôi xin Ba Má cho phép tôi vào nội trú. Tôi tự nhủ:

- Trong ký túc xá hẳn mình sẽ hạnh phúc hơn, và sẽ không còn phải trông thấy những khuôn mặt nhàm chán của gia đình!


Thảm hại thay, nơi khung trời nội trú, tôi vẫn hoàn toàn là thiếu nữ không bao giờ bằng lòng với số phận. Tôi bắt đầu theo bạn bè xấu, nếm thử hương vị của ma túy. Ban đầu, ma túy đưa tôi vào thế giới thần tiên, bay lượn trên không trung. Tôi có cảm tưởng mình hạnh phúc thật, bởi vì tôi được tự do làm tất cả những gì tôi muốn và tôi thích. Tôi cũng hoàn toàn bỏ rơi THIÊN CHÚA và đánh mất Đức Tin.


Dần dần ma túy đưa tôi vào cuộc sống vô cùng khốn khổ và tuyệt vọng, khiến có lúc tôi muốn tự tử. Trên bờ vực thẳm đó, có người bạn rủ tôi đến tham dự cuộc gặp gỡ cuối tuần của các bạn trẻ tại ”Trung Tâm Cầu Nguyện Giao Ước”. Tôi miễn cưỡng nhận lời, không mang chút hy vọng nào hết.


Tại đây, vị hướng dẫn buổi gặp gỡ nói với chúng tôi:


- THIÊN CHÚA là Cha. Ngài là Cha của từng người. Ngài yêu thương mỗi người, mặc dầu chúng ta khốn cùng. Ngài không xét đoán cũng không kết án ai.


Nghe thế, tôi mỉa mai tự nhủ:


- Không đúng như vậy! Nếu THIÊN CHÚA trông thấy nội tâm tôi, hẳn Ngài sẽ ghê tởm và không thể nào tiếp tục yêu thương tôi!


Nhưng mọi người nơi Trung Tâm hợp ý cầu nguyện đặc biệt cho tôi, vào buổi chiều Chúa Nhật, trước khi chúng tôi chia tay. Và THIÊN CHÚA nhận lời mọi người van xin. Tôi nhận ra sự hiện diện của THIÊN CHÚA trong đời tôi. Từ hôm đó, tôi bắt đầu cầu nguyện trở lại và dần dần tìm thấy niềm tin đơn sơ trong tuổi thơ ấu. Tôi cũng dọn mình xưng tội, lãnh nhận bí tích Hòa Giải mà từ lâu tôi không biết đến. Rồi tôi tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa.


Nhờ sự trợ giúp tinh thần của cặp vợ chồng đạo đức, tôi tìm lại niềm tự tin và lòng tín thác nơi THIÊN CHÚA. Tôi xa lánh môi trường xấu, bạn bè xấu và bỏ hẳn ma túy. Mỗi ngày qua, tôi cảm nhận Tình Yêu THIÊN CHÚA và lòng Tín Trung của Ngài. Chúa tiếp tục chữa lành tâm hồn tội lỗi của tôi. Nhưng tôi vẫn chưa biết phải làm gì, chọn hướng đi nào cho cuộc đời tôi.


Sau cùng, vào tháng 2 năm 1985 - bước vào tuổi 19 - tôi đến ”Trung Tâm Cầu Nguyện Giao Ước”, xin ở lại một thời gian để quan sát sinh hoạt tông đồ của các thành viên tu hội tận hiến, phụ trách trung tâm này. Các thành viên gồm cả nam lẫn nữ, tận hiến cuộc đời cho Chúa để phục vụ tha nhân. Họ làm việc dưới sự hướng dẫn của các Linh Mục.

Sau thời gian tìm hiểu, tôi nhận ra tiếng Chúa gọi tôi gia nhập cộng đoàn. Tôi quyết định xin làm thành viên Tu Hội. Thấm thoát đến nay 18 năm trôi qua, tôi tận hiến hoàn toàn cuộc đời cho Chúa. Tôi hạnh phúc trong ơn gọi và không bao giờ hối tiếc về chọn lựa của mình.

 

... ”Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành và ngươi sẽ được biết Đức Chúa. Vào ngày đó, Ta sẽ đáp lại trời, và trời sẽ đáp lại đất. Đất sẽ đáp lại lúa mì, rượu mới và dầu tươi” (Sách Hôsê 2,21-24).


 (”JE CROIS”, Mars/1992, trang 24-29).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mục lục

 

 

 

CÙNG ĐỌC & SUY GẪM

 

GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC

 

Nhiều người qui tội gây ra cái chết của Công chúa Daina cho các nhiếp ảnh viên là những người đã săn đuổi theo chiếc xe của cô sáng ngày Chủ Nhật 31.8 .1997 cách đây 10 năm. Xâm nhập vào đời tư của những nhân vật nổi tiếng vốn là cái nghề hái ra tiền. Một bức ảnh chụp lén được từ cuộc sống riêng tư của những người có tiếng tâm trên thế giới luôn là món hàng đắt giá. Nhưng dĩ nhiên nếu có cung là bởi vì có cầu. Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế thị trường. Tất cả những gì có thể đáp ứng được nhu cầu của con người, dù chỉ là một nhu cầu giả tạo đều có thể mang lại lợi nhuận. Một trong những nhu cầu ấy chính là biết được những gì đang diễn ra trong đời tư của những nhân vật nổi tiếng. Người Mỹ thích điều đó cũng giống như nghiền ăn khoai tây chiên. Theo dõi về cuộc sống của những nhân vật tiếng tăm đã trở thành mộ thứ nhu cầu của con người. Người Âu châu cũng thích điều đó và xem chừng những người dân tại các nước nghèo cũng thích điều đó. Khi danh tiếng của một nhân vật càng lẫy lừng người ta càng muốn biết về những khía cạnh đen tối và tư riêng của họ. Cha đẻ của phân tâm học giải thích rằng : hiếu kì là mặt trái của sự tham lam và lòng ganh tị. Người ta ngầm thích thú khi thấy những khía cạnh xấu của người khác nói chung và của các nhân vật tiếng tăm nói riêng được phơi bày.

 

Sở dĩ người ta muốn biết về đời tư của các nhân vật nổi tiếng là bởi vì xét cho cùng sự nổi tiếng của người khác là một nhắc nhở cho chúng ta rằng chúng ta kém thông minh hơn, ít đẹp hơn, ít hấp dẫn hơn, ít tài năng hơn, ít may mắn hơn những kẻ giàu có và tiếng tăm. Những người nổi tiếng như không ngừng nhắc nhở chúng ta về suự nghèo nàn trống rỗng của chúng ta. Tiếng tăm của người khác là một món hàng tiêu thụ của chúng ta, chúng ta có nhu cầu theo dõi và muốn biết về tất cả những gì xảy đến cho họ. Có cầu ắt phải có cung. Các nhiếp ảnh viên ngày đêm chạy theo các nhân vật tiếng tâm trên thế giới thật ra cũng chỉ là những người hành động nhân danh hàng triệu triệu người trên khắp thế giới cũng ngày đêm khao khát những thông tin về họ hay đúng hơn cũng mơ ước được một chút danh tiếng của họ.

 

Tiếng tăm và danh vọng của một số người nào đó có thể là một gợi nhớ về một sự trống rỗng nghèo nàn của chúng ta. Nhưng cái chết của họ, nhất là cái chết của những người ra đi không kịp mang theo bất cứ một thứ tài sản nào họ có lại càng mời gọi chúng ta suy nghĩ về của cải đích thực trên cõi đời này. Giàu sang, quyền thế, nổi tiếng bao nhiêu khi nhắm mắt xuôi tay trơ trụi hai bàn tay trắng vẫn là số phận chung của mọi người. Giá trị đích thực của con người, của cải đích thực mà con người có thể mang theo cho mình bên kia cái chết chắc chắn không phải là những thứ hào nhoáng chóng qua ở đời này.

 

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta hướng đến những giá trị vĩnh hằng và nhắc nhở chúng ta về nguy hiểm của những của cái chóng qua ở đời này. Những giá trị hẳn không sáng chói như hào quang của những kẻ tiếng tăm trong cuộc sống này mà trái lại âm thầm vô danh. Âm thầm vô danh như sự hy sinh từng ngày của người cha lam lũ trong việc mưu tìm miếng cơm manh áo từng ngày, của người mẹ với công việc độc điệu hằng ngày trong xó bếp. Âm thầm vô danh như sự hy sinh của không biết bao nhiêu người cố gắng sống cho tha nhân mà không cần ai nhắc tới. Âm thầm vô danh như bao nhiêu người đang dâng từng nỗi khổ đau và hy sinh mỗi ngày để cầu nguyện cho thế giới. Những giá trị đích thực và vĩnh hằng không cần kèn trống để rêu rao, không cần phim ảnh để phóng đại. Nhưng đó là những giá trị đích thực bởi vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm hồn con người mới nhìn thấy chúng.

 

Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con yếu đuối, chúng con dễ chạy theo những ảo ảnh và phù vân giả trá của cuộc đời, trong khi mưu tìm cho cuộc sống này xin ban cho chúng con ơn được tỉnh thức để luôn biết hướng về những sự trên trời.

 

Mai Hương

Radio Veritas

Mục lục

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

Làm bố khó hơn lãnh đạo doanh nghiệp

Thất bại trong đàm phán, bị đối thủ "chơi bẩn" trong kinh doanh chẳng làm sếp nản chí. Thế nhưng khi chứng kiến cảnh vợ vượt cạn, nhiều ông chủ doanh nghiệp phải thừa nhận: "Sinh con khó hơn thành lập doanh nghiệp. Dạy con khó hơn đào tạo nhân viên".

Nhận được tin nhắn của em gái thông báo vợ sinh con, Hoàng - giám đốc một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dầu khí quên cả tiệc chiêu đãi với đối tác, vội vã đáp chuyến bay cuối từ TP HCM về Hà Nội.

Máy bay hạ cánh, Hoàng vội vã ra taxi phi thẳng về bệnh viện, quên cả gói hành lý. Trước mặt Hoàng chỉ còn là hình ảnh người vợ mới vượt cạn và cô công chúa mà anh đã nghĩ sẵn một cái tên Hà Trang.

Cảm giác lâng lâng hạnh phúc của Hoàng cũng giống như bao nhiêu người đàn ông khác khi lần đầu được lên chức bố. Song với Hoàng khoảnh khắc lần đầu làm bố vô cùng quan trọng, vì là lãnh đạo doanh nghiệp bận bịu với công việc, anh chẳng có thời gian bên vợ bên con. 3 tháng đầu bà xã vật vã với chuyện thai nghén, Hoàng chỉ biết động viên vợ qua điện thoại vì anh đang bận phải giám sát một dự án ở tận Bà Rịa - Vũng Tàu. Những tháng còn lại, Hoàng lại túi bụi với các chuyến công tác ngắn hạn tại nước ngoài. Thậm chí, ngay cả khi cận kề ngày sinh nở của vợ anh vẫn phải tham gia các hoạt động ký kết tại TP HCM.

Giờ con gái đầu của anh vừa sinh nhật 3 tuổi, bà xã đang mang bầu lần thứ 2. Song cái cảm giác lần đầu làm bố vẫn làm anh bồi hồi mỗi lần ai đó thông báo một đứa trẻ sắp ra đời. "Hạnh phúc, sung sướng và đôi lúc không thể tin nổi rằng mình đã làm bố", anh hớn hở.

Với Đỗ Phương Bình - Giám đốc một công ty quảng cáo tại TP HCM thì ngày cu Bi ra đời là một sự kiện không thể nào quên. Đang công tác ở Hà Nội nghe tin vợ lâm bồn, anh sốt ruột đứng ngồi không yên rồi đáp ngay máy bay về. Bao nhiêu dự tính, hoài bão to lớn dành cho đứa con đầu lòng lần lượt diễn ra trên suốt con đường dài cả nghìn cây số. Nào là thằng cu sẽ cùng anh đi đá bóng vào mỗi chiều thứ 7 để giúp bố rèn luyện thân thể giảm béo. Bình sẽ cho con học thật giỏi tiếng Anh để có thể giao tiếp với bạn bè quốc tế. Rồi 2 bố con đi bơi, chơi game, cho du học để mai mốt nhóc kế thừa điều hành công ty của gia đình... một câu chuyện cảm động về tình cha con được Bình xây dựng y như phim Hàn Quốc.

Taxi dừng ở sân bệnh viện phụ sản Từ Dũ, bước xuống xe, chân anh ngập ngừng. "Thằng nhóc trông ra sao nhỉ, nó giống ai trong nhà, chắc là giống mình rồi... ", Bình tự hỏi rồi chạy một hơi lên phòng của 2 mẹ con, chui vào phòng rồi đứng im. Eo ôi, sao nó bé tẹo, đỏ hỏn thế này, lại đầy lông tơ trên mình và mặt mũi nữa. Bà ngoại bế cu con sơ sinh đưa vào tay bố. Sếp Bình rụt tay lại ngập ngừng: "Thôi con hông bế đâu, sợ cháu té". Thuyết phục mấy cũng không được, ông bố 35 tuổi lần đầu thấy trẻ mới đẻ đều đứng đằng xa "kính nhi viễn chi" chứ không dám đến gần chứ nói gì đến bế.

Về đến nhà cũng vậy, chuyện chăm sóc vợ con những ngày nằm cữ đều do nhạc mẫu và oshin lo lắng. Anh "cách xa", chỉ nói chuyện với con líu lo mà không dám bồng bế, thay tã thay bỉm càng không vì cứ lóng nga lóng ngóng lại sợ lọt thằng cu xuống đất. Chỉ đến khi cu nhóc đã cứng cáp cái cổ, có thể bồng đứng được, ông bố mới lần đầu tiên hưởng cảm giác sung sướng được bế con trên tay và bắt đầu vai trò của một người cha.

Những nỗi sợ hãi, rụt rè ngày đầu làm bố này thường được ông giám đốc tự hào kể lại như bài học kinh nghiệm cho nhân viên nghe. Đặc biệt, cứ anh nhân viên nào trong công ty chuẩn bị làm cha thể nào cũng được giám đốc gọi lên truyền đạt kỹ năng, giống như đang bàn việc công hẳn hoi. "Chuẩn bị đẻ con mà chỉ chăm chăm nghĩ đến đứa nhỏ lớn lên sẽ làm gì, đầu tư gì cho nó, chứ không hiểu rằng đầu tiên sẽ phải bồng bế lúc con còn mềm oặt, thay tã, tưa lưỡi, bú sữa... là tiêu giống như tôi hồi trước", sếp Bình thường xuyên lập lại câu này bởi trong công ty 2/3 nhân viên là nam.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp cơ khí Văn Việt thì cứ đứng lên ngồi xuống mà chẳng biết làm gì lúc chờ vợ vượt cạn trong phòng sinh. Chả là mới đầu vợ chồng son tính sinh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Đến ngày, vợ lại vỡ ối sớm lúc 3h sáng, bệnh viện chuyển sang Phụ sản Từ Dũ. Tình huống bất ngờ, không chuẩn bị trước bác sĩ đỡ sinh mà phải trông chờ bác sĩ trực bệnh viện, ông Tuấn sốt ruột, mới tinh mơ đã gọi điện đi khắp bạn bè, bà con để nhờ vả. Bác sĩ đến "như ý" rồi, yên tâm, anh lại đi loanh quanh ngoài phòng sinh luôn miệng lẩm bẩm: "Sao mà lâu thế, sao mà lâu thế".

"Cái chuyện sinh đẻ ấy, còn hơn cả việc đàm phán với đối tác kinh doanh. Đối tác có thể thế này muốn kiểu kia, mình đều đoán ý hoặc có chiến lược để thuyết phục cả. Còn để cô nhóc ra đời êm xuôi thì tùy cơ ứng biến chứ không biết đâu mà xoay trở", ông giám đốc doanh nghiệp chép chép miệng.  

Giám đốc Công ty TNHH Bảo An - Phan Đình Sơn gói gọn cảm giác lần đầu làm bố của mình vào một câu: "Hồi hộp và lo lắng như chuẩn bị đưa sản phẩm mới ra thị trường. Khi có con rồi mình sống chững chạc và có trách nhiệm hơn và căn bản là mỗi lần nghe nhân viên trong cơ quan xin phép đến muộn chuyện con ốm mình cũng thông cảm hơn".

Theo Web site www.lamchame.com

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

 

Tương quan giữa cha sở với các nữ tu, ban hành giáo và các đoàn thể trong giáo xứ (tiếp theo)

 

B. TƯƠNG QUAN VỚI HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ


Theo giáo luật điều 515§1 xác định giáo xứ được trao quyền cho một linh mục coi sóc, mà chúng ta gọi là cha sở, chính ngài có toàn quyền trong giáo xứ của mình khi thi hành chức vụ mục tử, như: thành lập hội đồng giáo xứ, các đoàn thể công giáo tiến hành, các ban hát, giáo lý, hội đạo binh Đức Mẹ.v.v...để qua các đoàn thể ấy mà Lời Chúa được xuôi chạy đến với mọi tâm hồn giáo dân trong giáo xứ hoặc ngoài giáo xứ.


Thánh Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Do bí tích thánh chức, các linh mục Tân Ước thi hành nhiệm vụ rất cao cả và cần thiết là làm Cha và làm Thầy trong Dân Chúa và cho Dân Chúa, nhưng đồng thời cùng với mọi Ki-tô hữu, các ngài cũng là môn đệ của Chúa Ki-tô, được mời gọi dự phần trong Nước Chúa nhờ ơn gọi của Người” (1) . Chính vì lợi ích của các linh hồn đã được Hội Thánh trao cho cha sở, mà ngài luôn ưu ái lo lắng làm sao cho mỗi giáo dân trong giáo xứ của mình được dồi dào ơn ích thiêng liêng, do đó ngài cần có những người am hiểu tình hình giáo xứ, nhiệt thành phục vụ, để giúp ngài trong công việc điều hành giáo xứ, để giáo xứ ngày càng phát triển hơn.


Vì là Cha và là Thầy, nhưng đồng thời cũng là anh em với mọi người Ki-tô hữu, nên cha sở khi thi hành chức vụ thánh của mình, thì làm sao để mọi giáo dân nhìn thấy được Chúa Giê-su đang hiện diện cách sống động giữa họ: hòa đồng, bình dị, yêu thương và phục vụ. Do đó, mà ngài cần thiết thành lập Hội đồng giáo xứ để cộng tác với ngài trong việc quản lý giáo xứ, và qua Hội Đồng Giáo Xứ này, mà cha sở hiểu rõ những mong muốn và những khắc khoải của giáo dân của mình, trong việc xây dựng và phát triển giáo xứ về cả hai mặt đạo và đời.


Ở cấp địa phận thì có Hội Đồng Mục vụ, cấp giáo xứ thì có Hội Đồng Giáo Xứ hoặc gọi tắt là Ban Hành Giáo, hay một tên gọi nào khác tùy địa phương, nhưng dù tên gọi như thế nào chăng nữa, thì chức năng của Hội Đồng Giáo Xứ là giúp đỡ cha sở của mình, là mắt là tai và là cánh tay nối dài của cha sở, để phản ảnh lại nguyện vọng của giáo dân trong việc điều hành giáo xứ.


Khuynh hướng thành lập Hội Đồng Giáo Xứ trong giáo xứ ngày càng có nhiều cha sở hưởng ứng, theo nhu cầu và đà phát triển văn hóa cũng như sự hiểu biết của giáo dân đối với giáo xứ của mình càng ngày càng nhiều. Bởi vì cuộc sống ngày càng phức tạp, quản lý một giáo xứ lại càng phức tạp hơn, nhất là các giáo xứ lớn và trên địa bàn thành phố, nhu cầu có Hội Đồng Giáo Xứ càng lộ rõ hơn khi giáo dân đã trưởng thành, biết ý thức vai trò của mình trong Giáo Hội và trong giáo xứ. Dó đó, sự tương quan giữa cha sở với Hội Đồng Giáo Xứ là một tương quan được đặt trên nền tảng hiểu biết lẫn nhau và nối kết bằng tinh thần yêu thương phục vụ.


Tuy nhiên, cũng có những cha sở không thích thành lập Hội Đồng Giáo Xứ, bởi vì các ngài không muốn giáo dân “biết” nhiều việc của các ngài làm, hoặc có những vị trong hội đồng giáo xứ thích vượt quyền hạn của cha sở, và khi ý kiến của mình không được cha sở tán thành, thì tìm cách nói xấu cha sở, xúi giục người này người nọ chống đối cha sở.v.v...do đó, mà có nhiều giáo xứ cha sở không muốn có hHội Đồng Giáo Xứ, nhưng xét cho cùng và theo xu hướng của thời đại, giáo xứ nào có Hội Đồng Giáo Xứ thì ở đó cha sở sẽ đỡ mệt hơn và có nhiều thời gian đọc sách, tu dưỡng, điều hành giáo xứ cách phấn khởi hơn, và hiệu quả chắc chắn là giáo xứ ngày càng trưởng thành và phát triển mạnh hơn.

Vậy, giữa cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ có những tương quan nào ? Có hai tương quan căn bản sau đây:


1. Tương quan giữa đầu và thân.


Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Giê-su, và Chúa Giê-su chính là đầu của thân thể mầu nhiệm ấy, đây là một so sánh dựa trên sự hiệp thông của Chúa Giê-su và toàn thể Hội Thánh của Ngài, mà thánh Phao-lô tông đồ trong thư gởi giáo đoàn Cô-lô-sê đã dạy rằng: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1, 18), và đó là một tương quan bất khả phân giữa đầu và thân thể, giữa Chúa Giê-su và Hội Thánh của Ngài.


Cũng vậy, cha sở và giáo xứ cũng có một tương quan đặc biệt như Chúa Giê-su và Hội Thánh, nghĩa là như đầu và thân thể. Mối tương quan này được cụ thể hóa và thực tế qua việc thành lập Hội Đồng Giáo Xứ dựa vào tinh thần yêu thương hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, bởi vì đầu không thể làm gì được nếu không có thân thể, và thân thể cũng chỉ là một cái xác kỳ dị vô hồn nếu không có đầu.


Có một vài giáo xứ mà cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ thường xung khắc với nhau, bởi vì cha con không hạp nhau, bởi vì cha sở cứ khư khư dùng quyền cha sở mà coi Hội Đồng Giáo Xứ không ra gì, bởi vì Hội Đồng Giáo Xứ cứ tưởng mình là đầu của cha sở, cho nên thay vì có Hội Đồng Giáo Xứ để giúp cha sở xây dựng giáo xứ, thì lại làm rối tung lên vì đặc quyền đặc lợi (?), và gây ảnh hưởng phe cánh trở thành gương mù cho giáo dân. Hội Đồng Giáo Xứ là đại diện cho toàn thể giáo dân trong giáo xứ, thay mặt giáo dân để giúp đỡ cộng tác với cha sở, cho nên bổn phận và nhiệm vụ của Hội Đồng Giáo Xứ rất quan trọng bên cạnh cha sở của mình, họ là cố vấn, là cánh tay nối dài của cha sở, là những phần tử giáo dân ưu tú của giáo xứ chỉ biết phục vụ chứ không kể công, biết cho đi mà không đòi lại, biết xây dựng mà không phá hoại.


Đầu (cha sở) có nhiệm vụ hướng dẫn, đề ra phương hướng mục vụ và xây dựng hiện tại và tương lai cho giáo xứ, và sau khi bàn hỏi với Hội Đồng Giáo Xứ thì hướng dẫn giáo dân (thân thể) thực hiện, đó là một quá trình xuyên suốt giữa cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ. Đương nhiên khi bàn hỏi thảo luận thì sẽ có ý kiến thuận và nghịch, cho nên cha sở cẩn phải khéo léo nhìn ra vấn đề đang bàn cải đi đến đâu để làm cho cuộc bàn thảo có tình huynh đệ, tình cha con.


Hội Đồng Giáo Xứ được thành lập để giúp cha sở điều hành giáo xứ, cho nên cha sở cần phải tôn trọng họ, không nên dùng quyền cha sở để độc đoán trong cách suy nghĩ và độc tài trong hành xử, nhưng cách hành xử hay nhất chính là bàn hỏi với Hội Đồng Giáo Xứ xin họ đóng góp ý kiến, và nhất là vui vẻ lắng nghe ý kiến của họ, bởi vì mọi giáo dân ai cũng muốn đóng góp công sức của mình cho giáo xứ, và họ rất vui khi được cha sở tín nhiệm bàn hỏi công việc với họ. Đó chính là tương quan giữa đầu và thân, giữa cha sở và Hội Đồng Giáo Xứ.


(còn tiếp)

(1) Công Đồng Vat. II: “Sắc lệnh về chức vụ và đời sống của linh mục”, chương 2, 9.

 

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb

Mục lục